Khi nông dân "xài" điện thoại thông minh vào sản xuất nông nghiệp

(Dân trí) - Cho gà nghe nhạc hay dùng điện thoại thông minh điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trong nhà kính sẽ là xu thế phát triển nông nghiệp tương lai nhờ ứng dụng công nghệ thông tin.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Hà Lan,… đã ứng dụng rất thành công các tiến bộ khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm đa dạng và chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Công nghệ Sensor giúp làm chủ quá trình tưới, bón trong canh tác nông nghiệp; dùng vệ tinh để đo đất, đo rừng, kiểm soát khoáng sản là những ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nông nghiệp khá phổ biến trên thế giới.

Khi nông dân xài điện thoại thông minh vào sản xuất nông nghiệp

Ở Việt Nam bây giờ, không còn lạ khi đến vùng núi thấy trẻ con nông thôn chăn trâu nói chuyện với nhau bằng điện thoại. Cũng có trường hợp chủ một trang trại nuôi gà ở Việt Nam cho gà nghe nhạc và kết quả là năng suất trứng tăng cao hơn trước, chất lượng trứng cũng tốt hơn.

Chỉ cần lên mạng là mọi người có thể tìm thấy bất kỳ thứ gì dù rất nhỏ, trong đó có nhiều loại nông sản cũng như tất cả những thông tin liên quan đến cây trồng vật nuôi…

“CNTT sẽ tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người, trong đó đặc biệt là những người vốn phải chịu nhiều thiệt thòi như những người nông dân,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tại Diễn đàn Vietnam - ASOCIO ICT Summit 2014.

Theo TS. JI, Seok Koo, Cố vấn Chính sách Cao cấp của Cơ quan Xúc tiến CNTT Hàn Quốc (NIPA), chúng ta có thể tạo gia nhiều giá trị mới bằng cách gắn kết CNTT vào sản xuất, phân phối và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và giúp tiêu thụ sản phẩm hiệu quả hơn.

Ứng dụng CNTT trong sản xuất nông nghiệp điển hình như mô hình nhà kính thông minh giúp kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống chiếu sáng từ xa. Nhờ CNTT, người nông dân có thể dùng cảm biến từ xa để nâng cấp nhà kính thông minh, dùng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tư để điều khiển nhà kính thông minh, kiểm soát chuồng trại và chất lượng phối giống vật nuôi,…

Nông nghiệp thông minh

Với việc ứng dụng CNTT trong phân phối sản phẩm mà người tiêu dùng ở thành phố có thể dễ dàng mua nông sản tươi ngon trực tiếp từ người nông dân thông qua các hệ thống thương mại điện tử, điện thoại thông minh cài đặt các ứng dụng để mua, tiêu tiền, bán các sản phẩm nông nghiệp.

CNTT cũng giúp truy xuất nguồn gốc, cài đặt chế độ bảo quản, kiểm soát chất lượng và thời gian vận chuyển sản phẩm; kiểm soát độ tươi, nhiệt độ và các thông số khác của sản phẩm.

Ở Hàn Quốc, các hãng viễn thông của gần đây có các nhà kính thông minh ở miền nam và có hệ thống kiểm soát môi trường. Người ta có điều chỉnh độ mở của cửa để điều chỉnh nhiệt độ và độ nóng phù hợp cho cây trồng phát triển.

Một trang trại nấm thông minh ở Hà Lan ứng dụng CNTT vào việc bán sản phẩm. Họ có hệ thống kiểm soát môi trường nhà kính phù hợp về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, dinh dưỡng, tốc độ gió, có các dữ liệu và biểu đồ để đưa ra công thức toán học giúp điều chỉnh độ tăng trưởng của cây trồng phù hợp.

Trong một trường hợp khác, nhà kính thông minh trồng dâu tây ở Hà Lan sử dụng giàn tưới nước và hệ thống phân tán ánh sáng giúp tăng sản lượng 20%.

Ở Nhật Bản, người ta trồng rau diếp trong tòa nhà với năng suất rất cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ có thể điều chỉnh các yếu tố tự nhiên liên quan đến sinh trưởng cây trồng như thể họ có một đội ngũ nông dân thực thụ trong tòa nhà.

Hạn chế nguồn lực và nhận thức

Tuy nhiên, ở Việt Nam việc ứng dụng CNTT trong nông nghiệp còn hạn chế, mới chỉ ở giai đoạn đầu dưới dạng dự báo thiên tai, dịch bệnh, dự báo năng suất cây trồng, kiểm kê rừng và tài nguyên thiên nhiên…Điều này là do thiếu đầu tư phù hợp, nguồn lực hạn chế và nhận thức của người dân về vai trò của CNTT trong nông nghiệp còn chưa cao.

Khi nông dân xài điện thoại thông minh vào sản xuất nông nghiệp

“Tôi cho rằng nông nghiệp là lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều lợi thế, nếu được quan tâm đúng mức trong quan hệ gắn liền với CNTT sẽ trở thành nền tảng ổn định xã hội. Hy vọng rằng những thành tựu ứng dụng CNTT trong nông nghiệp và những chia sẻ tại diễn đàn này (Việt Nam – ASOCIO Summit 2014 – PV) sẽ là bài học quý để Việt Nam và các nền kinh tế thành viên ASOCIO sẽ vận dụng và phát triển nền nông nghiệp trở thành kinh tế xanh, thông minh, mang lại năng suất lao động và giá trị vượt trội, tạo dựng chất lượng cuộc sống của người dân…” ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT nói.

Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cũng khẳng định: “Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công, bên cạnh thể chế rất cần đòn bẩy CNTT viễn thông. Mục tiêu của chúng tôi là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động của bộ gắn với quá trình cải cách hành chính để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phân nâng cao chất lượng, tăng trưởng của nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiệu quả, bền vững, cung cấp thông tin dịch vụ công chất lượng cao…,”

Thảo Nguyên
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”