Thấy gì khi ba hãng ô tô Việt "cân" được gần chục ông lớn liên doanh?

An Linh

(Dân trí) - Doanh số bán hàng của ba doanh nghiệp ô tô Việt Nam gồm Trường Hải, Thành Công và VinFast năm 2020 đã vượt qua gần chục "ông lớn" xe liên doanh, nhập khẩu để cân bằng sức mạnh trên thị trường.

Cân bằng về lợi ích, doanh số bán xe

Theo báo cáo của Hiệp hội các doanh nghiệp ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2020, các doanh nghiệp ô tô lớn ở Việt Nam có tổng doanh số bán xe ước đạt khoảng 407.500 chiếc xe, tương đương với cùng kỳ năm 2019.

Như vậy, mục tiêu tăng lên 500.000 chiếc xe tiêu thụ trong năm 2020 như kỳ vọng không đạt được. Nguyên nhân lớn nhất là do đại dịch Covid-19 khiến tổng cầu xe trên thị trường suy giảm, đặc biệt là xe con.

Thấy gì khi ba hãng ô tô Việt cân được gần chục ông lớn liên doanh? - 1

Doanh số các doanh nghiệp xe hơi do người Việt làm chủ như Thaco, Thành Công và VinFast đang vượt qua các hãng xe lớn trên thế giới có mặt tại Việt Nam

Theo kết quả báo cáo doanh số 2020 của ba hãng xe, doanh nghiệp xe Việt Nam, Thaco hiện có doanh số bán ra tốt nhất với hơn 100.700 xe, đứng thứ 2 là Thành Công với hơn 81.300 chiếc, VinFast - hãng xe Việt non trẻ - cũng bán được gần 29.500 chiếc. Tổng doanh số bán ra của ba doanh nghiệp nội địa Việt Nam là hơn 211.500 chiếc.

Trong khi đó, các ông lớn như Honda, Toyota, Ford, Mercedes - Benz, Mitsubishi, Audi, Suzuki... chỉ có tổng doanh số bán ra ở cả dòng xe lắp ráp và xe nhập khẩu là gần 196.000 chiếc.

Như vậy, lần đầu tiên các doanh nghiệp xe hơi do doanh nghiệp Việt làm chủ đã vượt qua doanh số của các liên doanh toàn cầu có mặt tại Việt Nam, tính cả xe nhập khẩu và lắp ráp.

Điều này cho thấy, thị trường xe Việt đang chứng kiến sự đổi vai ngoạn mục, từ phụ thuộc vào doanh nghiệp nhập khẩu, liên doanh, dần sang thế cân bằng, ganh đua nhau.

Nói về chính sách phát triển, năm 2020, dù doanh số xe hơi không bùng nổ nhưng điểm tích cực chính là năm đánh dấu các chính sách tốt nhất được ban bố để ngành ô tô có thể hồi phục và phát triển từ năm 2021 trở đi.

Cụ thể như việc sửa đổi Nghị định 116/2017 theo hướng mở cửa rộng rãi hơn cho xe nhập khẩu, nới dần các quy định khắt khe; rồi Nghị định 70/2020 về miễn giảm 50% phí trước bạ đối với xe trong nước đăng ký lần đầu.

Đáng chú ý và mang tính dài hơi là Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020 về việc xóa bỏ, giảm thuế nhập khẩu đối với linh phụ kiện xe nhập khẩu đối với doanh nghiệp ngành ô tô Việt Nam hay sắp tới liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ xây dựng chính sách ưu đãi Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hơi trong nước theo tỷ lệ nội địa hóa...

Những chính sách ưu đãi đối với xe hơi trong nước đã thúc đẩy cả các doanh nghiệp xe tư nhân, liên doanh trong nước có động lực để nội địa hóa xe hơi ngay tại Việt Nam.

Điển hình như việc Thành Công lắp ráp gần như toàn bộ các mẫu xe Hyundai tại Việt Nam hay Trường Hải xây dựng nhà máy lắp ráp Kia lớn nhất ASEAN, rồi lần lượt các hãng xe liên doanh chuyển những mẫu xe trước đó nhập từ Thái, Indonesia sang lắp ráp tại Việt Nam.

Thấy gì khi ba hãng ô tô Việt cân được gần chục ông lớn liên doanh? - 2

Các hãng xe trong nước dần có quyền quyết định thị trường, song theo nhiều chuyên gia, chỉ vài năm tới khi Việt Nam bỏ thuế ồ ạt với xe EU, Nhật, Trung Quốc, thách thức sẽ lớn hơn, gay gắt hơn

Theo thông tin từ Hải quan Việt Nam, hết tháng 12/2020, lượng xe nhập về nước ta chỉ đạt khoảng 105.200 chiếc, giảm gần 25% so với cùng kỳ năm trước, ước giảm hơn 34.200 chiếc. Nhiều loại xe nhỏ, giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam khó cạnh tranh, mất dần lợi thế so với các mẫu lắp ráp trong nước, điều này gây lo ngại về sự đa dạng thị trường, mức giá bán xe.

Vẫn là vùng trũng của ngành xe hơi thế giới!

Theo đánh giá của chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, thị trường xe hơi thế giới đang phát triển đến giai đoạn thứ 4, xe tích hợp công nghệ, xe thân thiện môi trường và có nhiều nước trong khu vực đã và đang đi theo hướng đó.

Trước tiên đó là công nghệ chế tạo xe hơi đang thay đổi từ thấp lên cao, xe chuyển từ chạy động cơ diesel, xăng sang điện, khí sinh học. Ứng dụng điện tử trên xe hiện nay nhiều hãng đã sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, sử dụng bản đồ hóa hay hệ công nghệ hóa các tính năng, khiến người điều khiển xe hơi tiện lợi và an toàn hơn.

Chiến lược phát triển của nhiều nước châu Âu, đứng đầu là Đức, Anh tiến tới sẽ cấm xe chạy dầu, xăng, ưu tiên xe sử dụng động cơ sinh học, điện. Các nước như Trung Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan... là những nước sản xuất xe lớn ở thế giới, khu vực đã lập sẵn có kế hoạch phát triển hệ thống xe điện, xe sinh học. Riêng Thái Lan, nước gần Việt Nam nhất có kế hoạch trở thành trung tâm xe điện của ASEAN vào năm 2025 theo đúng kế hoạch nước này đã vạch ra hồi đầu năm 2020.

Hiện, trong Quyết định số 1168/2014 của Chính phủ, chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đã đề cập đến các mục tiêu, định hướng năm 2025 và tầm nhìn 2035. Tuy nhiên, các chính sách phát triển cụ thể theo từng giai đoạn về xe xanh, xe điện hoặc nguồn năng lượng thay thế xăng - dầu chưa cụ thể.

Thấy gì khi ba hãng ô tô Việt cân được gần chục ông lớn liên doanh? - 3

Để gia tăng thị phần, bên cạnh yếu tố giá, sự bổ sung đa dạng mẫu xe và đặc biệt là "tiến cùng" thời đại xe xanh, xe số hóa mới là con đường tốt nhất cho các doanh nghiệp xe Việt

Trong ngành ô tô hiện nay, chỉ xuất hiện một vài hãng, doanh nghiệp có chiến lược đi lên xe điện, xe xanh, xe sinh học. Tuy nhiên con đường phía trước cho các doanh nghiệp này rất gian nan và vất vả từ việc thiếu và yếu kém từ chính sách pháp luật, đến hành lang pháp lý, xây dựng cơ sở vật chất "các trạm nạp điện, thay đổi pin"... ngốn rất lớn tiền của nếu như chỉ một hoặc vài doanh nghiệp đứng ra làm.

Chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cho rằng, các nước phát triển, chính sách về xe xanh được thực hiện theo giai đoạn, trong đó ưu tiên về về xây dựng hạ tầng chính sách, sau đó mới là hạ tầng kỹ thuật "trạm điện, thay đổi pin". Họ xây dựng hoàn toàn theo hệ sinh thái để đảm bảo cả xã hội, doanh nghiệp đều được hưởng bằng số tiền xã hội hóa.

Theo chuyên gia này, hiện ngành công nghệ xe hơi tại Việt Nam được xem là đi sau các nước trong khu vực, còn hạn chế về khâu lắp ráp chứ chưa nói đến việc nghiên cứu chế tạo các kiểu dáng, kiểu mẫu. Chính vì vậy, điều cần làm lúc này là phải nâng cao kỹ thuật lắp ráp, chất lượng xe và tinh chỉnh các công nghệ tích hợp trên xe so với xe nhập. Mục tiêu ngay lúc này là cần tính đến là đầu tư vào xe điện, động cơ tương lai.

Hiện Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song và đa phương với các nước lớn trên thế giới như với EVFTA, CPTPP, RCEP với lộ trình giảm thuế nhập nhanh và nhiều đối với xe hơi, đặc biệt là xe xanh - thân thiện môi trường. Chính vì thế, xu hướng xe xanh từ các nước EU, Nhật, Trung Quốc hay Thái Lan tràn vào Việt Nam chắc chắn sẽ xảy ra và áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn với các doanh nghiệp trong nước.