Thay đổi mô hình chỉ gia công nhờ lao động rẻ
(Dân trí) - Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong lĩnh vực dệt may, da giày và đồ gỗ - nội thất có cơ hội tham gia một dự án có ý nghĩa thiết thực trong việc thay đổi mô hình gia công hiện tại, chủ yếu là khai thác nhân công rẻ như hiện nay…
Đây là dự án khởi đầu áp dụng mô hình phát triển cụm doanh nghiệp công nghiệp liên kết tại Việt Nam. Mục tiêu của Dự án nhằm hỗ trợ các DNNVV Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh tốt hơn thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật trọng điểm và xúc tiến quan hệ đối tác với các doanh nghiệp Italia, cũng như liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp.
Ông Nguyễn Trọng Hiệu, Giám đốc Quốc gia Dự án, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Các DNNVV đơn lẻ thường ít có khả năng xác định và nắm bắt các cơ hội kinh doanh chủ yếu do quy mô nhỏ bé, năng lực cạnh tranh yếu kém.
Việc các DNNVV liên kết, phối hợp hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình cụm công nghiệp liên kết sẽ tạo ra khả năng nắm bắt cơ hội, tăng cường năng lực cạnh tranh tốt hơn. Đây cũng là mô hình còn mới mẻ ở Việt Nam.
Đối tượng tham gia dự án là các doanh nghiệp trong những cụm công nghiệp được lựa chọn, bao gồm Dệt may ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận và TP. HCM, Da giày ở TPHCM và Bình Dương, Đồ gỗ -Nội thất ở TPHCM và Bình Dương, đăng kí và nộp hồ sơ trước ngày 22/3/2011.
Các doanh nghiệp được chọn sẽ được hưởng lợi từ chương trình nâng cao năng lực và tư vấn chuyên môn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội hợp tác và tìm kiếm thị trường mới, cụ thể là với các doanh nghiệp Italia. Chương trình tham quan học tập và đào tạo do Dự án tổ chức cũng sẽ giúp hàng.
Ông Patrik Gilabert, đại diện UNIDO tại Việt Nam, phát biểu “Dự án này nhằm nâng cao năng lực và chuyên môn cho các DNNVV Việt Nam, bao gồm: nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường khả năng thiết kế sản phẩm và thúc đẩy tiếp thị và thương hiệu.
Điều này trái ngược với mô hình gia công hiện tại, theo đó doanh nghiệp chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng/thiết kế của nước ngoài và khai thác nhân công rẻ; đây là mô hình không bền vững và tạo ra giá trị gia tăng thấp cho doanh nghiệp”.
Nhận định về tầm quan trọng của dự án, ngài Đại sứ Italia Lorenzo Angeloni nói: “Thông qua hợp tác kinh doanh, Dự án Phát triển Cụm DNNVV sẽ giúp các DNNVV Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, các doanh nghiệp Italia cũng sẽ có cơ hội để tiếp cận với một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới”.
Lan Hương