Thay cách tính giá điện: Phương án dùng càng nhiều trả càng đắt được ủng hộ

Văn Hưng

(Dân trí) - Cục Điều tiết điện lực tiết lộ có tới 92,2% ý kiến đồng tình giảm biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt còn 5 bậc. Phương án này hộ sử dụng điện ít được hưởng lợi, cao trên 701 kWh/tháng phải trả thêm tiền.

Hồi đầu tháng 10/2022, Bộ Công Thương đề xuất thay đổi biểu giá điện sinh hoạt theo hướng rút gọn từ 6 bậc còn 5 bậc hoặc 4 bậc. Cơ quan này cũng đã có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến.

Cụ thể, với phương án rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc, Bộ Công Thương đề xuất:

+ Bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên (1.678 đồng/kWh);

+ Bậc 2: cho kWh từ 101-200 (2.014 đồng/kWh);

+ Bậc 3: cho kWh từ 201-400 (2.536 đồng/kWh);

+ Bậc 4: cho kWh từ 401-700 (3.020 đồng/kWh);

+ Bậc 5: cho kWh từ 701 trở lên (3.356 đồng/kWh).

Với phương án rút ngắn từ 6 bậc xuống 4 bậc:

+ Bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên (1.678 đồng/kWh);

+ Bậc 2: cho kWh từ 101-300 (2.163 đồng/kWh);

+ Bậc 3: cho kWh từ 301-700 (2.927 đồng/kWh);

+ Bậc 4: cho kWh từ 701 trở lên (3.076 đồng/kWh).

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết trong số các ý kiến góp ý gửi về Bộ Công Thương, 92,2% đề xuất lựa chọn phương án 1 (rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc và thay đổi tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân). Chỉ có 7,8% đề xuất lựa chọn phương án 2 (rút ngắn từ 6 bậc xuống 4 bậc và thay đổi tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân).

Thay cách tính giá điện: Phương án dùng càng nhiều trả càng đắt được ủng hộ - 1

Số tiền ước tính khách hàng phải trả cho các phương án giá điện (Biểu đồ: Nhân Cơ).

Theo phân tích của Bộ Công Thương, phương án rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc có ưu điểm là đơn giản, người dân dễ hiểu. Nhược điểm là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm. 

Trong khi đó, với phương án giảm còn 4 bậc, ưu điểm là đơn giản trong áp dụng, tạo điều kiện cho đơn vị điện lực trong việc quản lý, tính toán hóa đơn tiền điện, phù hợp với xu thế cải tiến cơ cấu biểu giá điện cho sinh hoạt tại một số nước trong khu vực.

Việc phân chia giảm bớt 1 bậc so với phương án 5 bậc nêu trên sẽ làm giảm bớt một phần tác động tăng tiền điện trong các tháng chuyển mùa với phần lớn các hộ sử dụng điện nằm trong dải sử dụng từ 100-300 kWh. 

Về nhược điểm, phương án 4 bậc sẽ làm tăng tiền điện phải trả đối với các hộ có mức sử dụng từ 119-232 kWh/tháng và các hộ có mức sử dụng trên 806 kWh/tháng. Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ thì tác động tăng tiền điện đối với các hộ có mức sử dụng từ 119-232 kWh/tháng là không lớn với mức tiền điện tăng thêm chỉ tối đa chỉ 12.100 đồng/tháng/hộ, tương ứng mức tăng tiền điện là 3,25%.

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh chia càng nhiều bậc bao nhiêu thì sự phân hóa càng chính xác bấy nhiêu. "Nhiều bậc rất có lợi cho người tiêu dùng, chỉ là khó theo dõi thôi", vị chuyên gia nói.

Còn theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, số bậc trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phụ thuộc vào thị trường. Khi thị trường thay đổi thì số bậc thay đổi và không ai có thể can thiệp vào điều này cả.

"Việc tính toán biểu giá điện phải đảm bảo ngành điện không lỗ vốn để phát triển, cũng không làm người dân thiệt thòi và cũng không vì giá điện mà ảnh hưởng tới hoạt động của ngành sản xuất nói riêng và Nhà nước nói chung", ông Ngãi nêu quan điểm.

Sau khi chia bậc, theo chuyên gia Ngô Trí Long, điều cần quan tâm tiếp đến là giá của từng bậc đã hợp lý chưa, bậc nào là mức tiêu thụ trung bình trên toàn quốc. Cơ quan quản lý phải dự toán rất chính xác từng bậc 1 năm tiêu thụ bao nhiêu để cân đối với giá bán lẻ điện bình quân mà Chính phủ đưa ra.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng muốn đánh giá từng phương án cơ cấu giá điện mới mà Bộ Công Thương đưa ra, phải tính xem có làm tăng giá điện bình quân hiện hành không. Tuy nhiên, trong đề án lại không nêu.