Thứ trưởng Bộ Công Thương: Giá điện khác giá xăng dầu

Trần Kháng

(Dân trí) - Ông Đỗ Thắng Hải có những giải đáp về kiến nghị của EVN liên quan tới cơ chế điều chỉnh giá điện tương đương giá xăng dầu. Về thời gian điều chỉnh giá điện, Bộ cho biết vẫn đang xin ý kiến Thủ tướng.

Chiều 3/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ về thông tin tình hình kinh tế xã hội tháng 12/2022 và cả năm 2022.

Tại buổi họp báo, liên quan tới đề xuất điều hành giá điện theo cơ chế giá thị trường của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương và bộ ngành liên quan nghiên cứu phương án đề xuất của EVN theo đúng quy định tại Quyết định số 24 của Chính phủ. Việc điều chỉnh tăng giá điện được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng công tác kiềm chế lạm phát, đặc biệt là đời sống của người dân do những tác động từ dịch bệnh, trong bối cảnh thế giới và khu vực.

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Giá điện khác giá xăng dầu   - 1

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (Ảnh: Trần Kháng).

Về đề nghị cơ chế điều chỉnh giá điện tương đương điều chỉnh giá xăng dầu, ông Hải cho biết, theo cơ chế, điều chỉnh giá xăng theo Nghị định 95, việc điều chỉnh thực hiện 10 ngày 1 lần. Tuy nhiên, theo ý kiến người tiêu dùng, doanh nghiệp và các chuyên gia và cả các lãnh đạo, Bộ Công Thương đang thực hiện sửa đổi Nghị định 95 và 83, có phương án điều chỉnh giá xăng thời gian ngắn hơn, dưới 10 ngày. Thời gian cụ thể điều chỉnh vẫn đang xin ý kiến Thủ tướng.

Trở lại kiến nghị của EVN, ông Hải cho biết, tại Quyết định 24 của Chính phủ đã nêu, cơ chế điều chỉnh giá điện trong năm. Theo đó, hàng quý, EVN phải cập nhật giá điện của quý trước liền kề và dự kiến thu số đầu vào của khâu phát điện của các quý còn lại trong năm để tính toán lại giá điện bình quân. Nếu thông số đầu vào trong khâu phát điện làm giá lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng và nếu giảm thì giá điện điều chỉnh giảm.

"Như vậy, quy định hiện hành đã có cơ chế đảm bảo giá điện theo sát giá đầu vào, đảm bảo phản ánh biến động giá trên thị trường so với giá bán lẻ điện bình quân. Tuy nhiên, giá điện có đặc trưng khác giá xăng dầu. Chi phí giá điện phụ thuộc cao vào các mùa trong năm, trong đó có mùa mưa và mùa khô rất rõ trong năm", ông Hải nêu.

Ông Hải giải thích thêm, về mùa mưa, lượng nước về các hồ thủy điện rất nhiều. Các nhà máy thủy điện có chi phí phát điện thấp thì được huy động phát nhiều dẫn tới tổng chi phí sản xuất điện thấp hơn so với mùa khô, khi phải huy động nhiều hơn các nguồn điện, nguồn nhiệt điện có giá đắt hơn do nhà máy thủy điện không có nguồn nước để phát điện, đảm bảo phát điện cho cả nền kinh tế, cho người tiêu dùng.

"Tại Quyết định số 24 của Chính phủ đã quy định rất rõ, thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 6 tháng, kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Điều này phản ánh sự biến động, khách quan chi phí nêu trên", ông Hải nêu.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho biết, việc điều chỉnh giá điện gần đây nhất là 20/3/2019 (4 năm). Ngoài ra, do giá điện tác động lớn tới kinh tế vĩ mô, người dân. Do đó việc điều chỉnh giá điện cần được đánh giá rất kỹ, đầy đủ tác động, báo cáo Thủ tướng, xem xét trước khi điều chỉnh giá điện.