Thâu tóm xong Sữa Mộc Châu, người của bà Mai Kiều Liên lập tức xuất hiện
(Dân trí) - Ngay sau khi Vinamilk hoàn tất việc nâng sở hữu tại GTNFoods (đơn vị sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu) thì 3 nhân sự cấp cao của Vinamilk đã có mặt, đảm nhiệm các chức vụ Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và Giám đốc tài chính của GTN.
Giữa lúc thị trường phục hồi ngoạn mục trong ngày hôm qua (27/12) thì cổ phiếu GTN của Công ty cổ phần GTNFoods lại giảm sàn, đánh mất 1.400 đồng xuống còn 19.000 đồng. Đây là phiên giảm sàn thứ hai và là phiên mất giá thứ tư liên tiếp của mã này.
GTN diễn biến bất lợi về giá sau khi GTNFoods - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu, công bố kế hoạch chốt danh sách cổ đông để triệu tập cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 2/2020 tới đây.
Đây là cuộc họp nhằm rút ngắn nhiệm kỳ hiện tại và bầu thành viên HĐQT và ban kiểm soát cho nhiệm kỳ mới (2020-2024) và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông công ty.
Đáng chú ý là HĐQT GTNFoods cũng quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Quốc Dũng (sinh năm 1962) giữ chức Tổng giám đốc, ông Trần Chí Sơn (sinh năm 1975) làm Phó tổng giám đốc và ông Lê Huy Bích (sinh năm 1989) làm Giám đốc tài chính kể từ 1/1/2020. Ông Trịnh Quốc Dũng hiện đang là Giám đốc điều hành phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk còn ông Trần Chí Sơn và ông Lê Huy Bích cũng là nhân sự của Vinamilk.
Chỉ ít ngày trước, Vinamilk thông báo đã mua xong gần 78,6 triệu cổ phiếu GTN trong ngày 18 và 19/12, nâng tỷ lệ sở hữu tại GTNFoods lên 75% và trở thành công ty mẹ của GTNFoods.
Thị trường chứng khoán trong ngày cuối tuần bất ngờ đã có cú lội ngược dòng đầy mạnh mẽ trong phiên giao dịch chiều.
VN-Index tăng 4,92 điểm tương ứng 0,51% lên 963,51 điểm; HNX-Index tăng 0,28 điểm tương ứng 0,27% lên 102,6 điểm và UPCoM-Index tăng 0,51 điểm tương ứng 0,27% lên 55,81 điểm.
Khối lượng giao dịch tại sàn HSX đạt 180,52 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch đạt trên 3.313 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 24,92 triệu đơn vị tương ứng 199,86 tỷ đồng và trên thị trường UPCoM là 10,26 triệu cổ phiếu tương ứng hơn 82 tỷ đồng.
Mặc dù chỉ số có bước chuyển tích cực nhưng số liệu thống kê thị trường lại cho thấy, số lượng các mã tăng - giảm không có sự chênh lệch nào đáng kể. Nếu bên giảm có 325 mã, 66 mã giảm sàn thì bên tăng có 326 mã và 46 mã tăng trần.
Có thể nói, diễn biến đảo chiều tích cực của chỉ số chính VN-Index là nhờ đóng góp không hề nhỏ của các mã lớn: BID “bứt phá” 2.000 đồng và qua đó kéo VN-Index tăng 2,34 điểm. Bên cạnh đó, VNM tăng 1.200 đồng đóng góp 0,61 điểm; VCB tăng 1.100 đồng đóng góp 1,19 điểm cho VN-Index. Ngoài ra, HPG, PLX, VHM, TCB cũng tăng giá.
Ngược lại, VIC, SAB vẫn ghi nhận tình trạng sụt giá, tuy nhiên mức giảm không quá lớn nên không tác động nhiều đến diễn biến VN-Index.
Thanh khoản hôm qua tại ROS sụt mạnh, khớp lệnh rất thấp so với nhịp độ giao dịch thông thường tại mã này. Suốt cả phiên hôm qua, ROS chỉ giao dịch trên 883 nghìn cổ phiếu, và giảm sàn. Áp lực bán tại mã này thể hiện rất rõ rệt, cuối phiên hoàn toàn trắng bên mua và dư bán giá sàn gần 6,8 triệu đơn vị.
Theo tổng kết của Công ty chứng khoán BVSC, trong tuần qua, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index là BID, VCB và MSN khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 4,05, 2,38 và 0,65 điểm tăng. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index tuần qua là BVH, SAB và ROS khi lấy đi của chỉ số lần lượt 0,76, 0,67 và 0,60 điểm.
Khối lượng và giá trị giao dịch trung bình phiên trong tuần qua trên sàn HSX đều giảm, mức giảm lần lượt là 14,28% và 20,20% về 231 triệu cổ phiếu và 4.235 tỷ đồng mỗi phiên. Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có tuần mua ròng trên sàn HSX với giá trị gần 250 tỷ đồng.
Nhóm chuyên gia phân tích BVSC nhận định, trong tuần tới, thị trường dự báo sẽ có diễn biến tăng điểm. VN-Index nhiều khả năng sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự tiếp theo nằm tại 969-972 điểm.
Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, trước đó chỉ số có thể xuất hiện các nhịp rung lắc, điều chỉnh nhẹ vào đầu tuần để kiểm định lại vùng hỗ trợ 960-961 điểm. Diễn biến thị trường vẫn sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Đồng thời, hoạt động chốt NAV cuối năm của các quỹ có thể khiến thị trường có biến động mạnh tại một số thời điểm nhất định trong hai phiên đầu tuần tới.
Giai đoạn đầu năm mới cũng là thời điểm mà các nhà phân tích kỳ vọng thị trường sẽ có diễn biến khởi sắc hơn với sự trở lại của dòng vốn ngoại. Dù vậy, chỉ số vẫn cần bứt phá thành công qua vùng kháng cự trên để thoát khỏi kênh giá đi ngang hiện tại và bước vào nhịp hồi phục rõ nét hơn trong ngắn hạn.
Mai Chi