Thương vụ Vinamilk “thâu tóm” Mộc Châu Milk nguy cơ đổ bể với lý do không ngờ tới!

(Dân trí) - Với lý do “chưa nhận được thêm bất cứ thông tin trao đổi, phản hồi nào khác về định hướng, chiến lược, phương án hợp tác từ Vinamilk để Vinamilk với vai trò là cổ đông lớn sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của GTNfoods”, Chủ tịch GTNfoods đã bác đề xuất chào mua công khai cổ phần GTN từ phía Vinamilk.

Cổ phiếu GTN của Công ty CP GTNfoods vừa kết thúc phiên giao dịch ngày 28/3 với mức giảm 450 đồng mỗi cổ phiếu tương ứng 2,54% còn 17.300 đồng ngay sau khi đã đạt được trạng thái tăng trần ở phiên trước đó.

Bị điều chỉnh trong những phiên gần đây, đánh mất tới 9,42% giá trị trong vòng 1 tuần giao dịch song GTN vẫn ghi nhận mức tăng ấn tượng 31,56% trong vòng 1 tháng và tăng tới 67,15% trong 3 tháng qua.

Đà tăng của GTN được cho là nhờ vào thông tin doanh nghiệp này sẽ về tay “ông lớn” Vinamilk và mới đây, Vinamilk cũng đã chính thức có văn bản chính thức chào mua công khai 46,68% cổ phần GTN. Theo đó, giá cổ phiếu GTN cũng đã đạt đỉnh tới 20.050 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 19/3.

Screen Shot 2019-03-28 at 5.42.02 PM.png

Thông tin rò rỉ việc Vinamilk thâu tóm sữa Mộc Châu đã hỗ trợ cổ phiếu GTN tăng giá mạnh thời gian qua

Tuy nhiên, một thông tin rất bất ngờ vừa được đưa ra, đó là trong ngày 23/3, GTNfoods đã có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Vinamilk để phản hồi về việc chào mua công khai cổ phần GTN của Vinamilk.

Đi kèm với văn bản này là Nghị quyết HĐQT của GTNfoods thống nhất không đồng ý với đề nghị chào mua cổ phần nói trên từ phía Vinamilk do chỉ có 3/6 thành viên HĐQT (tương ứng tỷ lệ 50%) tán thành.

Theo quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT GTNfoods hiện hành, “khi biểu quyết, mỗi thành viên HĐQT có một phiếu biểu quyết, HĐQT quyết định theo đa số, trường hợp số phiếu biểu quyết ngang nhau thì bên có phiếu biểu quyết nhất trí, tán thành của Chủ tịch HĐQT hoặc thành viên được Chủ tịch HĐQT uỷ nhiệm chủ toạ phiên họp là quyết định được thông qua”.

Trong trường hợp này, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần GTNfoods có ý kiến không đồng ý với đề nghị chào mua công khai cổ phiếu GTN của Vinamilk, vì thế, HĐQT công ty thông qua chủ trương không đồng ý với đề nghị nói trên.

Nêu lý do không tán thành, ông Tạ Văn Quyền – Chủ tịch HĐQT GTNFoods cho biết, Vinamilk đang là công ty sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sữa lớn tại Việt Nam và đang là đơn vị cạnh tranh trực tiếp với một trong những mảng kinh doanh cốt lõi của GTNfoods là hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối sữa của Mộc Châu Milk.

Với phương án chào mua công khai mà Vinamilk đã đưa ra, mục tiêu sở hữu tại GTNfoods sau chào mua là 49% vốn điều lệ công ty và nếu chào mua hoàn tất thì Vinamilk sẽ là một trong những cổ đông lớn nhất tại GTNfoods.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch HĐQT của GTNfoods chỉ nhận được hồ sơ đăng ký chào mua công khai chính thức của Vinamilk mà chưa nhận được thêm bất cứ thông tin trao đổi, phản hồi nào khác về định hướng, chiến lược, phương án hợp tác từ Vinamilk để Vinamilk với vai trò là cổ đông lớn sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của GTNfoods.

Do đó, ông Quyền kết luận: “Cá nhân tôi với tư cách là thành viên của Hội đồng quản trị GTNfoods không có đủ cơ sở đưa ra ý kiến đồng ý với phương án chào mua công khai”.

Theo phương án chào mua của Vinamilk đối với 46,68% cổ phần GTN, Vinamilk sẽ mua vào 116,71 triệu cổ phần đang lưu hành của GTNfoods với giá 13.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với định giá GTNfoods ở mức 1.517 tỷ đồng. Mức giá này rõ ràng là đang thấp hơn so với giá giao dịch cổ phiếu GTN trên thị trường.

GTNfoods mới đây công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã được kiểm toán cho thấy sự sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi thế của GTNfoods là sau quá trình M&A đầy ấn tượng, hiện doanh nghiệp này đang sở hữu 75% cổ phần Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico), gián tiếp sở hữu 51% Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk); 95% cổ phần Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea); 35% cổ phần LadoFoods (Vang Đà Lạt)…

Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số khép lại phiên 28/3 với diễn biến trái chiều: Trong khi VN-Index tăng 7,07 điểm tương ứng 0,72% lên 982,98 điểm thì HNX-Index giảm 0,22 điểm tương ứng 0,21% còn 107,34 điểm.

Trong mức tăng của VN-Index thì phân nửa đã thuộc về VNM và VIC. VHM đóng góp 3,06 điểm cho chỉ số còn VIC đóng góp 1,94 điểm. Bên cạnh đó, VCB, GAS, BID cũng có tác động tích cực đến diễn biến chỉ số chung.

Thanh khoản có phần cải thiện so với phiên trước đó. Trên HSX ghi nhận có 217,06 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 4.094,16 tỷ đồng và con số này trên HNX là 24,5 triệu cổ phiếu tương ứng 388,43 tỷ đồng.

Mai Chi

Thương vụ Vinamilk “thâu tóm” Mộc Châu Milk nguy cơ đổ bể với lý do không ngờ tới! - 1

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm