Thâu tóm chiếm phần: Đại gia Việt song đấu ông lớn ngoại
Cuộc đua thâu tóm các DN hàng đầu Việt Nam để chiếm lĩnh thị phần, xác lập vị thế số 1 trên thị trường Việt Nam đang diễn ra sôi động. Trong cuộc chiến tranh phần để thành ‘ông trùm’ thống lĩnh thị trường các DN lớn Việt Nam tỏ ra không hề yếu thế trước các tập đoàn nước ngoài.
Cuộc đấu tay đôi
Tháng 3/2016, Công ty Anco đã vượt qua đối thủ lớn nhất là Tập đoàn CJ CheilJedang (Hàn Quốc) giành quyền mua 14% cổ phần của Vissan. Với 1,4 ngàn tỷ đồng, Anco đã trở thành cổ đông chiến lược Vissan để chiếm lợi thế dẫn đầu trên thị trường thịt trị giá cả chục tỷ USD của Việt Nam.
CJ của Hàn Quốc là “người anh em” Samsung dù rất tham vọng nhưng buộc phải chấp nhận một thất bại để rồi nuối tiếc tuột mất cơ hội ở thị trường đầy tiềm năng cho dù trước đó đã chi ra hàng trăm tỷ đồng để mua gần 4,2% cổ phần Vissan trong đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Thâu tóm để chiếm thị trường là cách nhanh nhất mà các tập đoàn ngoại thực hiện.
Chiến thắng nói trên là một bước đi quan trọng giúp DN thực phẩm trong nước thay đổi vị thế của mình trong ngành cung ứng thịt Việt Nam vốn đang nguy cơ bị thâu tóm bởi Tập đoàn CP đến từ Thái Lan..
Năm 2011, Masan thực hiện M&A với Vinacafé Biên Hòa - thương hiệu cà phê hòa tan có thị phần lớn nhất Việt Nam cũng diễn ra đầy bất ngờ. Trong một thời gian khá dài Masan chuẩn bị kế hoạch và tài chính để thực hiện thương vụ một cách nhanh chóng.
Sự nhanh chân đã giúp Masan đi trước và nắm giữ cổ phần áp đảo tại Vinacafé Biên Hòa so với các quỹ đầu tư nước ngoài: Hongkong GaoLing Fund (hiện nắm giữ hơn 23%), FTIF - Templeton Frontier Markets Fund (1,6%) và Barca Global Master Fund, L.P. (1,5%).
Quyết định thâu tóm VCF cũng giúp Masan trở thành đại diện DN Việt cùng với Trung Nguyên cạnh tranh với đối thủ ngoại Nescafé đang làm mưa làm gió trên thị trường cà phê chế biến Việt Nam.
Thị trường bán lẻ Việt Nam trong những tháng đầu năm 2016 xáo động khi Tập đoàn TCC của Thái Lan đang dẫn đầu trong việc đàm phán mua lại toàn bộ 19 trung tâm bán buôn của Tập đoàn Metro tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn nước ngoài trong đó có AEON của Nhật trả 800 triệu USD để mua Big C Việt Nam.
Vụ mua bán sáp nhập (M&A) Big C trở nên hấp dẫn hơn sau khi có thông tin các đại gia Việt cỡ bự muốn thâu tóm thương hiệu bán lẻ của Casino Group của Pháp: Đầu tiên, Saigon Coop đã được vào vòng hai còn mới nhất Công ty Cổ phần Thăng Long GTC mới đây đã chính thức vào cuộc
DN Việt ngược dòng
Hiện tượng các tập đoàn nước ngoài lớn tung tiền mua đứt nhiều thương hiệu hàng đầu trở nên phổ biến bao giờ hết. Giới đầu tư chứng kiến những gã khổng lồ châu Á như Lotte, CJ (Hàn Quốc), SCG, Central Group (Thái Lan), Ayala (Philippines), AEON (Nhật)… thâu tóm các thương hiệu lớn của Việt Nam như Prime, Nguyễn Kim, FiviMart…
Tuy nhiên, gần đây bức tranh thị trường mua bán sáp nhập tại Việt Nam đang có sự chuyển biến khá rõ rệt: các tập đoàn nước ngoài đã không còn quá áp đảo mà thay vào đó là sự nổi lên khá mạnh mẽ của các DN lớn trong nước và sự hợp tác liên kết nội ngoại cùng kinh doanh.
Năm 2013, sự xuất hiện bất ngờ của CTCK Sài Gòn (SSI) của ông Nguyễn Duy Hưng giữa "cuộc chiến" Lotte - Bibica đã khiến cho âm mưu thâu tóm Bibica của Lotte đổ vỡ.
Đại diện Bibica trước đó thừa nhận, sự hợp tác hai bên đã không diễn ra như ý muốn bởi Lotte muốn biến Bibica thành công ty con của họ, muốn Bibica làm các sản phẩm của Lotte thay vì đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới.
Sự xuất hiện của ông Nguyễn Duy Hưng đã khiến cuộc chiến Lotte - Bibica thay đổi hoàn toàn. SSI và các DN liên quan đã liên tục tăng tỷ lệ sở hữu tại Bibica lên ngang bằng với Lotte và buộc đại gia Hàn Quốc phải e dè. Cho đến nay, cuộc chiến tại Bibica vẫn chưa đến hồi kết. Hai DN của SSI hiện đang nắm gần 46%, trong khi Lotte nắm 44%.
Cuộc chiến của SSI có lẽ đã góp chút sức lực giúp các DN bánh kẹo nội địa giữ lại được một mảnh nhỏ trong miếng bánh thị phần vốn đang quá lép vế trên thị trường bánh kéo có quy mô hơn tỷ USD của Việt Nam.
Trong nhiều lĩnh vực, thị trường đã thấy các doanh nhân Việt không ngại đại gia Mỹ, Nhật. Nhiều doanh nhân đang nỗ lực chứng tỏ vị thế của DN Việt qua các thương vụ thâu tóm, đấu trí đầy ngoạn mục với đối tượng ngoại.
Thương vụ Daewoo năm 2011, tưởng chừng khách sạn này đã rơi vào đại gia Lotte nhưng chung cuộc một đại gia Việt đã hợp tác với Hanel hiện thực hóa quyền “ưu tiên mua” của mình. Sau khi thâu tóm xong khách sạn Daewoo, đại gia khoáng sản Hợp Thành còn mang tiền xuống Hải Phòng mua cảng.
Cũng trong lĩnh vực khách sạn và BĐS nghỉ dưỡng, đại gia Việt đã thâu tóm khá nhiều khách sạn nổi tiếng như Metropole, Hilton, Victoria, Furama Resort Đà Nẵng… Đó là những cái tên đang nổi lên mạnh mẽ như: Sovico Holdings của ông Nguyễn Thanh Hùng, Thiên Minh của doanh nhân Trần Trọng Kiên, BRG của bà Nguyễn Thị Nga…
Sự thật đằng sau những cú thâu tóm của đại gia Việt còn nhiều phức tạp nhưng xu hướng này cho thấy nhiều doanh nhân đã nhận thực được tầm quan trọng của việc phải lớn nhanh về quy mô, chiếm lĩnh thị trường trong nước khi độ mở theo hội nhập ngày lớn. Không ít tập đoàn Việt đã có những bước chuyển mình lớn nhanh thần kỳ nhờ quản trị tốt, công nghệ huy động vốn hiện đại và những vụ M&A ngoạn mục. Bên cạnh đó, hợp tác với đối tác ngoại cũng là một xu hướng tích cực.
Theo V. Hà
VEF