Thành tựu sau một năm triển khai mô hình canh tác lúa bền vững ForwardFarming
(Dân trí) - Sau chưa đầy một năm kể từ ngày ra mắt và 3 vụ lúa, mô hình ForwardFarming - canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai đã chứng minh tính hiệu quả và ổn định.
Hiện Bayer Việt Nam phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Việt Nam (TTKNQG), trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng nhiều đối tác chiến lược trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo đang lên kế hoạch để nhân rộng, áp dụng ForwardFarming tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tính hiệu quả và ổn định của mô hình ForwardFarming
Kết quả thực nghiệm thu được trên mô hình canh tác lúa bền vững ForwardFarming đã cho thấy, năng suất lúa tăng, giảm vật tư đầu vào đồng thời các chỉ số về tính bền vững cũng được cải thiện rõ rệt.
Cụ thể, ruộng lúa tham gia mô hình ForwardFarming tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ sản xuất giống lúa OM 5451 được sạ cụm bằng máy, với lượng giống sử dụng chỉ 60kg/ha (so với tập quán nhà nông 150 - 180kg/ha). Hiện lúa đã bước vào giai đoạn chín, phát triển tốt và trĩu bông, có thể đạt vụ mùa thắng lợi.
Tham gia dự án qua nhiều vụ, ông Đỗ Trí Hùng, nông dân tại Thới Lai, Cần Thơ, cho biết mô hình canh tác ForwardFarming đã giúp giảm chi phí đầu vào 1,5 - 4 triệu đồng/ha và lợi nhuận tăng 13,1% - 54,9% qua các vụ so với mô hình canh tác truyền thống.
Viện Lúa ĐBSCL cho biết theo khảo sát và đo lường của đơn vị, các giải pháp đồng bộ của mô hình ForwardFarming giúp cải thiện mức độ tăng trưởng của cây và chất lượng đất trồng, giảm gần 50% lượng nước tưới (tương đương với 110m3/ha) so với tập quán canh tác trước đây. Mô hình này cũng được đo lường cho thấy giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính 24,7% trong quá trình canh tác.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Việt Nam, chia sẻ: "Chúng tôi đánh giá đây là mô hình đã tích hợp các giải pháp công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật rất tiên tiến, không có phát thải ra môi trường và không có dư lượng trên sản phẩm, hoàn toàn phù hợp với quy trình mới của Bộ nông nghiệp ban hành cho đề án một triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải".
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chương trình, hơn 4.500 nhà nông tại Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang đã được hướng dẫn và chuyển giao kiến thức canh tác lúa chất lượng cao, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm, áp dụng các biện pháp giảm phát thải trong canh tác phù hợp với tập quán nhà nông và điều kiện địa phương.
Mô hình ForwardFarming được triển khai trên diện rộng
Với mục tiêu mở rộng quy mô dự án ForwardFarming, Bayer Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Việt Nam với nhiều đối tác chiến lược trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, bao gồm các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trung tâm khuyến nông địa phương, Viện Lúa ĐBSCL, Công ty thiết bị máy nông nghiệp Sài Gòn Kim Hồng, Công ty phân bón Bình Điền, Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice) cùng các đơn vị khác đã thảo luận và đề ra một số kế hoạch phát triển.
Trong đó, các bên nhấn mạnh tiếp tục việc nghiên cứu, phát triển và đánh giá hiệu quả các công nghệ và giải pháp trong việc nâng cao chất lượng cây trồng và giảm thiểu tác động môi trường; mở rộng mạng lưới đối tác chiến lược, mở rộng tập huấn các nhà nông tại An Giang, Kiên Giang và nhiều tỉnh thành khu vực ĐBSCL, qua đó từng bước thực hiện mục tiêu 1 triệu ha lúa bền vững, chất lượng cao, phát thải thấp.
Với những kết quả tích cực mà dự án ForwardFarming mang lại, Bayer và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Việt Nam đã nhận Giải thưởng "Hợp tác công - tư trong lĩnh vực nông nghiệp" tại sự kiện Hội thảo và Lễ trao giải GovMedia tổ chức tại Singapore. Đây là sự kiện tôn vinh các dự án xuất sắc có sự kết hợp giữa khối công và tư ở các quốc gia khu vực châu Á, nhằm mang lại những tác động tích cực cho cộng đồng địa phương.
"Chúng tôi tự hào về những bước tiến đã đạt được của dự án ForwardFarming, thể hiện qua hiệu quả của các công nghệ và giải pháp canh tác lúa bền vững. Điều này cho thấy việc hợp tác chặt chẽ giữa nhà nông và các cơ quan nhà nước, đối tác trong ngành có thể đem đến những tác động tích cực và to lớn. Với việc mở rộng mô hình này tại ĐBSCL, chúng ta đang nỗ lực xây dựng tiền đề hướng đến một nền nông nghiệp thịnh vượng và bền vững trong tương lai", ông Kg Krishnamurthy, Giám đốc Nhánh Khoa học cây trồng của Bayer Việt Nam, nhấn mạnh.