1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thanh tra tiếp 5 công ty bảo hiểm năm nay, Thứ trưởng hé lộ thêm chi tiết

Phương Liên

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết đến hết năm nay sẽ thanh, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Danh sách thanh tra có 5 công ty bảo hiểm, gồm 3 công ty nhân thọ, 2 công ty phi nhân thọ.

Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (4/7). Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, chủ trì.

Tại họp báo, trả lời về kế hoạch thanh tra toàn diện lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, Thứ trưởng Bộ tài chính Nguyễn Đức Chi chia sẻ, Bộ này sẽ triển khai nghiêm túc và hiệu quả chỉ đạo của Quốc hội. Bộ có kế hoạch triển khai thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Thứ trưởng cho hay, ngày 30/6 vừa rồi, kết quả thanh tra với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và việc triển khai hoạt động thông qua liên kết với ngân hàng để kinh doanh bảo hiểm nhân thọ đã được công bố. Nhiều thông tin chi tiết đã được Bộ Tài chính công bố công khai.

"Chúng tôi cũng đang triển khai thông qua quy trình thanh tra, sau một thời gian ngắn nữa sẽ xử lý nghiêm vi phạm của những công ty này và tiếp tục công bố", ông cho biết.

Thanh tra tiếp 5 công ty bảo hiểm năm nay, Thứ trưởng hé lộ thêm chi tiết - 1

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại phiên họp báo chiều 4/7 hé lộ một số thông tin liên quan tới thanh, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm (Ảnh: VGP).

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết thêm, kế hoạch là từ đầu năm nay sẽ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm.

"Tới hết năm 2023, theo kế hoạch, sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó thanh tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm gồm 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ; kiểm tra với 5 công ty bảo hiểm (3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ", Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ thêm.

Ông cho biết sẽ tập trung vào liên kết trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp này với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại và hướng các nội dung thanh tra theo chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024.

Bộ này cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thực hiện thanh, kiểm tra, giám sát cả kinh doanh bảo hiểm, các tổ chức tín dụng. Điều này nhằm mục tiêu có được thị trường bảo hiểm theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sun Life có nhiều sai phạm

Trước đó, Bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng (bancassurance) gồm Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sun Life.

Kết quả cho thấy các doanh nghiệp có nhiều sai phạm.

Trong đó, các công ty bảo hiểm trên hạch toán chi phí liên quan đến hoạt động bancassurance là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chưa đúng quy định. Số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, tỷ lệ hủy hợp đồng của 4 công ty trên đều khá cao. 

Tại Sun Life, tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của hợp đồng bán qua TPBank là 73%, còn qua ACB là 39%. 

Tại Prudential, tỷ lệ duy trì hợp đồng sau năm thứ nhất đối với các hợp đồng bán qua ngân hàng (tính theo phí bảo hiểm) là 59%, tương ứng với tỷ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%.

Còn tại BIDV Metlife, công ty bán bảo hiểm qua Ngân hàng BIDV, có tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất là 39,4%.  Năm 2021, công ty phát hành mới 21.123 hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

MB Ageas bán bảo hiểm qua Ngân hàng MB và Công ty Tài chính MB Shinsei (hay Công ty tài chính MCredit). Năm 2021, MB Ageas phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua ngân hàng. Tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau năm thứ nhất của các hợp đồng bảo hiểm phát hành qua ngân hàng là 32,4%.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm