Thanh tra Chính phủ "chê" Bộ Xây dựng chậm trong các dự án nhà ở

(Dân trí) - Bộ Xây dựng đã chậm chạp trong việc xây dựng chương trình quốc gia về nhà ở giai đoạn 5 năm, chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng như các dự án nhà ở xã hội đều chậm so với tiến độ.

Thanh tra Chính phủ chê Bộ Xây dựng chậm trong các dự án nhà ở
Các dự án nhà ở xã hội đều chậm so với tiến độ (Ảnh minh họa)

Thông tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết, Bộ Xây dựng thống kê đến năm 2009, nhà ở tăng trên 5,5 triệu căn hộ so với năm 1999, diện tích bình quân đầu người tăng thêm 7,02 m2. Tuy nhiên, thực tế phát triển nhà ở chung cư đạt tỷ lệ thấp, chiếm 3,72% trong khi nhà đơn lẻ tự phát còn cao.

Về nhà ở cho học sinh, sinh viên thì hiện mới có 151 khối nhà hoàn thành trên tổng số 251 khối nhà khởi công, đưa vào sử dụng đáp ứng 125.000 chỗ ở với trái phiếu phân bổ là 7.500 tỷ đồng.

Tiến độ này đã không đạt được mục tiêu chương trình phát triển nhà ở cho sinh viên theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đó là: “Quý 2/2011 đáp ứng khoảng 200.000 chỗ ở cho sinh viên trong nguồn trái phiếu Chính phủ là 8.000 tỷ đồng”.

Tương tự, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp mới có 9 trong tổng số 27 dự án đã khởi công được đưa vào sử dụng (chủ yếu là Tp HCM), đạt 54% so với dự kiến. Trong khi đó, mới chỉ có duy nhất 1 dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay vốn ưu đãi.

Đáng chú ý, đã có 42 dự án nhà ở thu nhập thấp được khởi công với mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 1.714 căn hộ đã đưa vào sử dụng, đạt 1% kế hoạch.

Hai dự án tại Ngô Thì Nhậm, Hà Đông (Hà Nội) và Nguyễn Tri Phương (Đà Nẵng) đều được xây dựng cao trên 6 tầng trong khi Luật Nhà ở quy định không xây quá 6 tầng, 9 dự án được Ngân hàng Phát triển VN ký hợp đồng tín dụng cho vay.

Ngay cả việc Bộ Xây dựng ban hành thông tư hướng dẫn UBND Tp Hà Nội về đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp cũng bị đánh giá là chưa hợp lý khi chỉ giới hạn là “các hộ gia đình có hội khẩu thường trú tại các quận, phường”.

Cụ thể theo quy định, điều kiện để nhập hộ khẩu Hà Nội là phải có nhà, trong khi phần lớn các đối tượng có nhu cầu mua nhà thu nhập tháp chỉ có hộ khẩu tạm trú và trên địa bàn Hà Nội còn có các đối tượng mua nhà thuộc các xã, huyện.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc xây dựng chương trình quốc gia về nhà ở giai đoạn 5 năm, chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Xây dựng còn chậm. Các dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp, chủ đầu tư cũng đều triển khai chậm so với tiến độ.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng còn bị đánh giá là chậm thành lập các đoàn thanh tra để kiểm tra kết luận những tồn tại trong việc thực hiện chương trình như: đầu tư dàn trải gây lãng phí vốn đầu tư, giá cho thuê nhà ở sinh viên giữa các địa phương không thống nhất hay các dự án nhà ở xã hội chậm triển khai…

Lan Hương