1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thanh khoản thị trường trái phiếu bị thắt chặt

(Dân trí) - “Thiện chí và khả năng tham gia vào thị trường sơ cấp của các nhà đầu tư giảm đáng kể bởi tính thanh khoản thị trường bị thắt chặt và lãi suất chung cuộc tại các phiên đấu giá đã xuống thấp dưới mức thị trường thứ cấp”.

Chuyên gia phân tích Khalil Belhimeur của Standard Chartered Bank cho biết như vậy khi nói về thị trường trái phiếu Việt Nam. Theo lý giải của Khalil Belhimeur, kết quả từ việc phục hồi hoạt động cho vay mạnh mẽ của các ngân hàng là chất xúc tác khiến tính thanh khoản của trái phiếu bị “thắt chặt”. Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã gặp nhiều khó khăn trong việc phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng Việt Nam trong suốt năm 2009.
 
Như vậy, dù kế hoạch ban đầu phát hành khoảng 55 - 75 nghìn tỷ đồng (một số báo cáo đề cập mục tiêu có thể lên tới 126 nghìn tỷ đồng), KBNN mới chỉ có thể phát hành trên 22,2 nghìn tỷ đồng. Hình thức phát hành là tín phiếu KBNN, trái phiếu bằng đồng Việt Nam, trái phiếu bằng USD và thị trường cho thấy các khoản nợ ngoại tệ được ưa chuộng hơn.
 
Ngoài việc giảm lượng phát hành tại thị trường sơ cấp, một số đợt phát hành đã đến kỳ đáo hạn trong năm vừa qua. “Thực tế, quy mô của các đợt phát hành trái phiếu và tín phiếu chính phủ bằng đồng Việt Nam đã giảm từ 123,7 nghìn tỷ xuống 100,4 nghìn tỷ kể từ đầu năm 2009.
 
Do đó, nhân tố cung - trước đó là nguyên nhân gây nên quan ngại về nhu cầu vốn của chính phủ nhằm tài trợ cho chương trình kích cầu trị giá 8 tỷ USD - đã chuyển biến ngược lại, gây nên xu hướng tăng trên thị trường lãi suất trong nước”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
 
Với tuyên bố của chính phủ về kế hoạch đấu giá 15 - 20 nghìn tỷ đồng trái phiếu và tín phiếu trong quý IV/2009 được xem là một “triển vọng về nguồn cung”. Theo đánh giá của Standard Chartered Bank, trái phiếu chính phủ rất cần thiết để tiếp cận tính thanh khoản từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
 
Nhưng xét từ quan điểm đầu tư thuần túy, trái phiếu chính phủ địa phương vẫn còn kém hấp dẫn. Các khoản vay thương mại hiện đưa ra lãi suất lên 10,5%, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1 năm chỉ là 9,3%, khiến việc nắm giữ các giấy tờ có giá của chính phủ không thực sự hấp dẫn.
 
Thêm vào đó, với tốc độ tăng trưởng cho vay 10 tháng đầu năm lên tới hơn 33%, các ngân hàng đang tích cực chạy đua để thu hút tiền gửi. Lãi suất phải trả cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng đang chịu áp lực tăng cao, lên tới mức 9,4%.
 
Thực tế này không phải là chiến lược có lợi cho các ngân hàng khi sử dụng nguồn thu từ các khoản tiền gửi để đầu tư cho trái phiếu địa phương, đặc biệt khi tăng trưởng tiền gửi (đạt mức gần 26%) đã làm giảm tỷ lệ tăng trưởng cho vay, khiến cho việc phân bổ hoặc sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả phải hết sức thận trọng.
 
Tuy nhiên, các giấy tờ có giá của chính phủ có ý nghĩa nhiều hơn là một công cụ đầu tư đối với thanh khoản dư thừa của các ngân hàng. Trái phiếu chính phủ rất cần thiết đối với hoạt động nghiệp vụ thị trường mở (OMO) của NHNN. Ít nhất 2/3 số tiền thu về được yêu cầu trả bằng các giấy tờ có giá do KBNN hoặc NHNN phát hành; số dư có thể là trái phiếu Ngân hàng Phát triển hoặc các loại trái phiếu có bảo lãnh của chính phủ.
 
Thế nhưng, theo chuyên gia Khalil Belhimeur, ngoài việc đóng vai trò ký quỹ cho nghiệp vụ thị trường mở, hiện tại ngân hàng và các nhà đầu tư hạn chế sử dụng trái phiếu chính phủ. Bởi họ cho rằng, trái phiếu chính phủ hiện không thích hợp để dự trữ hay đáp ứng những yêu cầu về tính thanh khoản.
 
Việc thiếu hệ thống giao dịch sơ cấp càng khẳng định rằng, không một thành phần tham gia vào thị trường nào cần phải nắm giữ cụ thể một lượng giấy tờ có giá của chính phủ. Như vậy, lãi suất thấp của trái phiếu chính phủ đã hạn chế nhu cầu của ngân hàng đối với tín phiếu KBNN trong năm vừa qua.
 
An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm