Thanh Hóa kêu gọi đầu tư hơn 5 tỷ USD vào 50 dự án

(Dân trí) - Ngày 19/5 tới đây, tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa sẽ diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà tỉnh này tổ chức. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng đưa ra danh mục 50 dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp FDI, DDI đến năm 2020 với tổng mức kêu gọi đầu tư hơn 5 tỷ USD.

Theo Ban tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017 cho biết, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017 với quy mô cấp quốc gia. Hội nghị sẽ diễn ra vào ngày 19/5/2017 tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thanh Hóa sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương này
Thanh Hóa sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương này

Dự kiến sẽ có khoảng 1.200 đại biểu tham dự, trong đó có 400 đại biểu quốc tế gồm: Đại sứ các nước tại Việt Nam; các tổ chức tài chính quốc tế; các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại của một số nước; một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; tham tán đầu tư, thương mại Việt Nam tại một số nước... Về phía Việt Nam có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trong nước... Đây được xem là Hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà tỉnh Thanh Hóa tổ chức.

Mục đích của Hội nghị là giới thiệu các quy hoạch, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư, các dự án ưu tiên thu hút đầu tư và các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa, nhằm kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa.

Trong Hội nghị này, tỉnh Thanh Hóa đưa ra 5 lĩnh vực được ưu tiên, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế; phát triển hạ tầng, đô thị.

Tại Hội nghị này, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng năm 2030 sẽ do Tập đoàn tư vấn Boston (Hoa Kỳ) giới thiệu. Ngoài ra, còn có các bài tham luận, ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước về một số vấn đề liên quan đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa.

Cũng tại Hội nghị này, tỉnh Thanh Hóa sẽ trao cho một số nhà đầu tư quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc 5 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; y tế; du lịch; phát triển hạ tầng, đô thị.

Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành danh mục 50 dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp FDI, DDI đến năm 2020 với tổng mức kêu gọi đầu tư hơn 5 tỷ USD, trong đó, dự án kêu gọi thấp nhất là 10 triệu USD. Các dự án kêu gọi đầu tư tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp; nông nghiệp; đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; du lịch; năng lượng, môi trường và các lĩnh vực khác.

Bà Lê Thị Thìn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tại Hội nghị lần này, tỉnh yêu cầu các giám đốc Sở phải tham gia và phải xác định tính khả thi của dự án về lĩnh vực mình phụ trách. Đồng thời, tỉnh đang khẩn trương triển khai trung tâm hành chính công tại một số địa phương, tiến tới triển khai ở 27 huyện, thị xã, thành phố...

Theo bà Lê Thị Thìn, vấn đề các nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là thời gian làm thủ tục hành chính và vấn đề giải phóng mặt bằng, tỉnh sẽ áp dụng dịch vụ công một cách nhanh nhất và tốt nhất để phục vụ các nhà đầu tư.

Cũng theo bà Thìn, thời gian qua, trong chương trình cải cách thủ tục hành chính cũng cho thấy đã giảm đi rất nhiều thời gian, nhanh nhất có thể nhưng đảm bảo tốt nhất hiệu quả công việc đặt ra. Đồng thời, bà Thìn thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa hứa sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp đến cùng nhưng trong quy định cho phép.

Duy Tuyên