Tháng 1: Số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động gấp 2,5 lần thành lập mới
(Dân trí) - Ngay từ đầu tháng 1/2021, tình hình phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam có nhiều biến động. Số lượng doanh nghiệp khó khăn, dừng hoạt động, phá sản đã vượt 2,5 lần số thành lập mới.
Theo thống kê mới nhất của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2021, Việt Nam đón nhận số doanh nghiệp mới thành lập tăng gần 22%, với hơn 10.000 doanh nghiệp, trong đó có 167 doanh nghiệp có quy mô vốn cao nhất trên 100 tỷ đồng.
Cụ thể, theo tính toán của Bộ KH&ĐT, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 01/2021 đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 01/2021 là 395.063 tỷ đồng (tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020).
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở tất cả các quy mô vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0-10 tỷ đồng với 8.792 doanh nghiệp (chiếm 87,1%, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020).
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng là 634 doanh nghiệp (chiếm 6,3%, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2020); ở quy mô từ 20 - 50 tỷ đồng là 326 doanh nghiệp (chiếm 3,2%, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020); ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng là 172 doanh nghiệp (chiếm 1,7%, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 167 doanh nghiệp (chiếm 1,7%, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020).
Tháng 1, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 6.500 trường hợp, giảm hơn 23,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong tháng 1/2021 có số lượng lớn, trên 25.750 doanh nghiệp, tăng trên 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hơn 18.750 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chiếm hơn 70%; 5.602 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể; 2.095 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong tháng đầu năm 2021 là 18.055 doanh nghiệp, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 01/2021, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là 5.602 doanh nghiệp, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể tăng ở 11/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 38,4%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 11,6%); Xây dựng (chiếm 9,4%).
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 01/2021 là 2.095 doanh nghiệp, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020. 15/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng.
Theo Bộ KH&ĐT, phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài.
Do vậy, trong thời gian tới, để có thể giảm số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần hoạch định và thực thi có hiệu quả các chính sách thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các đối tượng này, đồng thời gia hạn các gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.