Than trong nước tồn kho lớn vẫn nhập khẩu, Bộ Công Thương nói gì?

(Dân trí) - Than trong nước thừa ứ hàng triệu tấn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn vàng đen này về tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương giải thích thế nào về tình trạng này?


Đang tồn tại nghịch lý: Lượng than khai thác tồn đọng rất lớn nhưng Việt Nam vẫn đang nhập khẩu mạnh loại khoáng sản này (Ảnh minh họa)

Đang tồn tại nghịch lý: Lượng than khai thác tồn đọng rất lớn nhưng Việt Nam vẫn đang nhập khẩu mạnh loại khoáng sản này (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 14,5 triệu tấn than đá, tăng tăng 9,8% so với năm 2016. Trị giá nhập khẩu đạt khoảng 1,52 tỷ USD, tăng 58,4% so với năm trước. Tính đến hết quý I/2018, Việt Nam nhập khẩu khoảng 3,68 triệu tấn than, tương đương giá trị khoảng 449,06 triệu USD. Trong khi đó, khối lượng than tồn kho của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam TKV và Tổng công ty Đông Bắc đến cuối năm 2017 vào khoảng trên 9,5 triệu tấn.

Nhận xét về số liệu xuất nhập khẩu than của Việt Nam trong năm 2017, một số chuyên gia cho rằng thị trường đang tồn tại một nghịch lý, trong khi khối lượng than trong nước đang tồn khá lớn thì Việt Nam vẫn phải bỏ ra một nguồn ngoại tệ không nhỏ để nhập khẩu loại tài nguyên này.

Theo cân đối cung – cầu than trong Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, có xét đến triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, do nhu cầu tiêu thụ than của nền kinh tế trong những năm tới tăng cao, sản lượng than sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nên khối lượng than nhập khẩu ngày càng tăng cao, dự báo khối lượng than nhập khẩu vào năm 2020 khoảng 40 triệu tấn, năm 2025 khoảng 70 triệu tấn và đến năm 2030 vào khoảng trên 100 triệu tấn.

Nhiều dự báo thời gian qua cũng cho thấy, than trong nước sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu cho nhiệt điện và các hộ tiêu dùng khác, cộng với việc khai thác than hiện đã rất khó khăn nên việc nhập khẩu than chắc chắn sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Và điều lâu nay giới chuyên gia vốn lo ngại cũng đã xảy ra là – Việt Nam phải nhập chính những loại than mà trong nước từng có thế mạnh và xuất khẩu.

Trả lời về vấn đề này, Vụ Dầu khí và Than Bộ Công Thương cho hay, quan điểm phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020 có xét đến triển vọng năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 403 ngày 14/3/2016 là: Thực hiện kinh doanh than theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hài hóa với thị trường than thế giới.

Theo Bộ Công Thương, hiện giá than ngoài nước hiện tăng cao so với thời điểm quý IV/2017 khoảng 5-7% và cao hơn giá than sản xuất trong nước đối với từng chung loại. Theo đó, việc tiêu thụ than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc trong quý I/2018 có nhiều thuận lợi, sản lượng than tiêu thụ tăng dẫn tới khối lượng than tồn kho giảm.

Tính đến hết quý I/2018, sản lượng than tồn kho của TKV và Tổng công ty Đông Bắc chỉ còn khoảng 8 triệu tấn.

Vụ Dầu khí và Than – Bộ Công Thương cho rằng, sở dĩ khối lượng than nhập khẩu trong năm 2017 tăng so với năm 2016 là do giá than trên thị trường thế giới thấp hơn giá than sản xuất trong nước nên các hộ tiêu thụ chuyển sang sử dụng than nhập khẩu. Cùng với đó, phần lớn than nhập khẩu lại là các chủng loại đáp ứng yêu cầu về công nghệ và nhu cầu sử dụng của các nhà máy mà trong nước hiện chưa sản xuất được.

“Từ các phân tích trên có thể khẳng định, hoạt động nhập khẩu than năm 2017 phụ thuộc vào tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng than của các hộ tiêu thụ. Điều này phù hợp với quan điểm phát triển cuả ngành than Việt Nam về việc thực hiện kinh doanh than theo cơ chế thị trường, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 403”, Vụ Dầu khí và Than nhấn mạnh.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy giá than trên thị trường thế giới năm 2017 có nhiều biến động, nhiều thời điểm giá sản xuất trong nước cao hơn giá thế giới. Vì thế, một số hộ tiêu thụ đã chuyển sang sử dụng than nhập khẩu.

Chẳng hạn, quý I/2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhập khoảng 1,25 triệu tấn than cho nhà máy nhiệt điện Duyên Hải III và Vĩnh Tân 4. Đây là các nhà máy đã thiết kế công nghệ sử dụng than bitum, á bitum. Ngoài ra, các hộ sản xuất thép như Tổng công ty thép Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát, Formosa… cũng nhập khẩu khối lượng lớn than cốc cho sản xuất…

H.Anh

Than trong nước tồn kho lớn vẫn nhập khẩu, Bộ Công Thương nói gì? - 2