Tham vọng nghìn tỷ đặt lên vai ái nữ 25 tuổi của ông chủ Kido
(Dân trí) - Kido nhảy sang lĩnh vực mới F&B với mục tiêu doanh thu vượt 1.000 tỷ trong 3 năm đầu. Trọng trách phát triển dự án được giao cho Trần Tuyết Vân, con gái CEO Trần Lệ Nguyên.
Buổi giới thiệu dự án mới của Kido sáng 7/6 là thời điểm thế hệ F2 tại tập đoàn này chính thức lộ diện. Trần Tuyết Vân, con gái của nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Kido Trần Lệ Nguyên, đảm nhận vị trí CEO TTV, công ty vận hành chuỗi cà phê, trà sữa mới.
Ở tuổi 25, ái nữ của ông Trần Lệ Nguyên sẽ chịu trách nhiệm dẫn dắt mảng kinh doanh mới của tập đoàn với mục tiêu phát triển hệ thống 1.000 cửa hàng cà phê trên toàn quốc, sau 5 năm nữa và vươn ra khu vực.
Những bước đi mới nối tiếp nhau
Sau khi bán lại mảng bánh kẹo cho Mondelez vào năm 2015, Kido tập trung củng cố vị trí dẫn đầu trên hai ngành hàng kem và dầu ăn. Sau chu kỳ 5 năm, anh em doanh nhân Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên cho thấy tham vọng của họ không chỉ dừng lại ở đó. Từ năm ngoái, tập đoàn của gia đình doanh nhân họ Trần bắt đầu chiến lược mở rộng nhanh chóng.
Đầu tiên là sự quay lại với mảng bánh kẹo sau khi điều khoản đứng ngoài lĩnh vực này trong hợp đồng chuyển nhượng với Mondelez hết hiệu lực. Kido trở lại thị trường bánh kẹo với thương hiệu mới vào mùa trung thu năm ngoái và ngay lập tức có lợi nhuận 36 tỷ, theo số liệu do doanh nghiệp công bố.
Song song đó, Kido cùng Vinamilk góp vốn tổng cộng 400 tỷ đồng với tỷ lệ tương ứng 49:51 để thành lập Vibev. Liên doanh giữa 2 ông lớn Việt Nam trong ngành thực phẩm sẽ sản xuất nước giải khát không có gas và dự kiến đưa những sản phẩm đầu tiên ra thị trường trong quý II.
Ngay sau mùa bán hàng cao điểm Tết Nguyên đán, Kido tiết lộ đang nghiên cứu tham gia trị trường cà phê với chuỗi cửa hàng cà phê, trà sữa, kem Chuk Chuk. Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại TTV, pháp nhân phát triển dự án, có vốn điều lệ 100 tỷ đồng với 61% cổ phần thuộc sở hữu trực tiếp của Kido.
Đại diện Kido không tiết lộ danh tính cụ thể cổ đông nắm giữ phần vốn góp 39% còn lại, chỉ chia sẻ các thành viên sáng lập đều có đóng góp quan trọng cho thương hiệu mới. Ông Trần Lệ Nguyên làm Chủ tịch HĐQT TTV còn con gái Trần Tuyết Vân giữ chức tổng giám đốc.
Lý do nhảy vào thị trường lúc khó khăn
Trở về nước sau thời gian dài học tập tại Mỹ, Tuyết Vân kiệm lời trong lần đầu xuất hiện trước truyền thông. Cô chia sẻ ngắn gọn muốn xây dựng một chuỗi cà phê, trà sữa thuần Việt với tinh thần sáng tạo nhưng vẫn dựa trên các giá trị truyền thống, cạnh tranh sòng phẳng với những thương hiệu ngoại.
Phần lớn câu chuyện về dự án mới của tập đoàn vẫn do ông Nguyên dẫn dắt. Doanh nhân này chia sẻ đã nung nấu ý tưởng về một cửa hàng bán tất cả sản phẩm từ kem, cà phê, trà sữa đến bánh ngọt nhiều năm trước và chính thức khởi động dự án vào năm ngoái.
Mở 58 cửa hàng tại TPHCM ngay trong năm 2021 với doanh thu dự kiến 141 tỷ đồng, có 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2025, hợp tác nhượng quyền thương hiệu nhằm mở rộng sang các nước ASEAN, châu Á là những mục tiêu đầy tham vọng được lãnh đạo Kido nhắc đến.
Nhưng tại thời điểm Kido công bố dự án, các cửa hàng ăn uống tại TPHCM đang sống lay lắt vì không được đón khách tại chỗ trong thời gian giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19. Đầu tháng 5, Soya Garden, thương hiệu từng chiếm lĩnh nhiều mặt bằng ở các địa điểm "vàng" tại các quận trung tâm TPHCM trong thời gian ngắn, cũng đã đóng cửa hàng cuối cùng ở Sài Gòn.
Song song đó, nhiều chuỗi F&B cũng phải thu hẹp hoạt động vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hệ thống Toocha từng nhận sang nhượng hơn 20 điểm bán sau khi Ten Ren rút lui nay chỉ còn 7 cửa hàng. Chuỗi sữa đậu nành Mr Bean cũng đóng cửa hầu hết chi nhánh trong năm 2020.
"Trong nguy có cơ", CEO Kido tự tin trả lời những câu hỏi về rủi ro khi tham gia thị trường ẩm thực (F&B) hiện tại. Ông Nguyên chia sẻ, nhiều mặt bằng ở các vị trí đắc địa tại TPHCM đang bị bỏ trống. Trước dịch, giá thuê một mặt bằng đẹp ở quận 1 lên tới 10.000-15.000 USD/tháng nhưng nay chỉ còn phân nửa.
Ông cũng cho biết, công ty đã ký hợp đồng thuê hơn 10 địa điểm với giá thấp trong 3 năm vì những người cho thuê nhà đang cần người thuê dài hạn. Chi phí đầu tư ban đầu một cửa hàng cà phê 100 m2 của Kido khoảng 1 tỷ đồng. Trong khi đó, những hệ thống nhượng quyền thương hiệu nước ngoài lớn tiêu tốn đến 3-4 tỷ đồng/cửa hàng cùng diện tích.
Thêm vào đó, các cửa hàng mới sẽ nhận được sự hậu thuẫn lớn từ tập đoàn. Nguồn cung nguyên liệu hoàn toàn chủ động trong nước, sản phẩm đóng gói được sản xuất ngay tại nhà máy của tập đoàn, việc vận chuyển được hỗ trợ bởi hệ thống logistics phủ khắp cả nước của công ty mẹ. Theo ông Nguyên, đây là lợi thế cạnh tranh lớn để thương hiệu F&B này có chi phí giá vốn thấp hơn so với các chuỗi cà phê, trà sữa khác trên thị trường.
"Ngay năm đầu tiên ra thị trường, dự án sẽ có hiệu quả ngay. Chúng tôi đã làm là phải có lãi chứ không mở nhiều để PR", CEO Kido khẳng định. Dự kiến trong tháng 6, các cửa hàng cà phê đầu tiên của chuỗi sẽ đón khách nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Song song đó, doanh nghiệp còn phát triển mô hình kiosk 20 m2 và xe đẩy bán hàng để tăng độ phủ, len lỏi vào các khu vực ngoài trung tâm.
Cách đây 2 tuần, một tập đoàn lớn trong ngành hàng tiêu dùng Việt Nam cũng nhảy vào lĩnh vực F&B. Masan rót 15 triệu USD để sở hữu 20% cổ phần Phúc Long và hợp tác xây dựng các kiosk bán cà phê, trà sữa bên trong hệ thống siêu thị mini VinMart+ của mình.