Đồng Nai ra quy định buổi chiều, thực hiện ngay đêm, DN không kịp trở tay

Việt Đức

(Dân trí) - Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng dự báo các điểm kiểm soát dịch của tỉnh Đồng Nai sẽ ùn tắc nghiêm trọng nếu không tổ chức tốt, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Đại diện một công ty sản xuất hàng tiêu dùng có trụ sở tại TPHCM, đặt nhà máy ở Đồng Nai cho biết ban lãnh đạo phải liên tục họp khẩn để tìm giải pháp. Động thái trên của doanh nghiệp diễn ra sau công văn của tỉnh Đồng Nai yêu cầu cách ly 21 ngày với người từ TPHCM ban hành ngày 4/6.

Tuy nhiên, đến trưa 5/6, tỉnh Đồng Nai đã thay đổi biện pháp, "nới lỏng" với người từ TPHCM.

Với trường hợp chuyên gia, công nhân, người lao động đi về giữa TPHCM và Đồng Nai trong ngày bằng xe đưa đón, các doanh nghiệp sẽ thực hiện đăng ký số xe cho Công an tỉnh Đồng Nai, đăng ký danh sách công nhân, điểm đưa đón, dừng trả. Toàn bộ người trên xe phải khai báo y tế, được đo thân nhiệt khi qua chốt kiểm dịch. Trường hợp di chuyển bằng xe cá nhân phải tuân thủ việc đo thân nhiệt, khai báo y tế tại điểm kiểm soát dịch khu vực cửa ngõ.

Trao đổi với Dân trí, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), dự báo biện pháp mới của UBND tỉnh Đồng Nai chỉ giải quyết được một phần khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Dũng phân tích với số lượng hàng nghìn người ở TPHCM làm việc tại Đồng Nai và ngược lại, công tác kiểm soát khai báo y tế, đo thân nhiệt nếu không làm tốt sẽ dẫn đến việc ùn tắc nghiêm trọng tại các cửa ngõ giữa hai địa phương trong giờ cao điểm.

Ông dẫn chứng cụ thể tình trạng "vỡ trận" tại các chốt khai báo y tế ra vào quận Gò Vấp trong tuần vừa qua. 

"Ùn tắc giờ về sẽ làm người lao động vất vả. Còn ùn tắc giờ đi làm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giờ làm việc, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp khi công nhân không đến được nhà máy đúng giờ. Các doanh nghiệp phải chủ động, tìm cách thích ứng nếu tình hình này kéo dài", ông Dũng chia sẻ.

Đồng Nai ra quy định buổi chiều, thực hiện ngay đêm, DN không kịp trở tay - 1

Lực lượng chức năng kiểm tra người dân từ TPHCM đi Đồng Nai sáng 5/6 (Ảnh: Khoa Nam).

Ông gợi ý các doanh nghiệp có thể nghiên cứu giải pháp điều chỉnh ca làm việc, thay đổi giờ làm để người lao động không cùng đi làm vào một khung giờ, hạn chế nguy cơ ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch giữa TPHCM và Đồng Nai. 

Về phương án sắp xếp cho người lao động ở lại địa phương nơi làm việc, ông Dũng cho rằng doanh nghiệp sẽ phải mất thêm nhiều chi phí để thực hiện mua sắm trang thiết bị nếu tự đầu tư khu lưu trú như ở Bắc Ninh, Bắc Giang, hoặc hỗ trợ kinh phí thuê nhà, sinh hoạt phí cho nhân viên. 

"Chống dịch như chống giặc nên doanh nghiệp luôn chấp hành các quy định của chính quyền nhưng cần thời gian chuẩn bị. Việc ra quy định buổi chiều rồi phải thực hiện ngay buổi đêm sẽ làm doanh nghiệp rất bị động, không kịp trở tay. Nguyên tắc là chống dịch nhưng cũng phải tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông hàng hóa", ông nêu quan điểm về công văn của tỉnh Đồng Nai yêu cầu cách ly 21 ngày người về từ TPHCM ban hành chiều 4/6.

Chủ tịch HUBA cũng cho biết sẽ sớm tổng hợp các khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong đợt bùng phát dịch lần này để kiến nghị với cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành các gói hỗ trợ mới. Trước mắt, ông cho rằng mỗi doanh nghiệp phải năng động, sáng tạo để "tự cứu mình", hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh.