1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tham vọng biến NDT thành loại tiền tệ toàn cầu của Trung Quốc đang ngày càng khó khăn

(Dân trí) - Theo một cuộc khảo sát quốc tế do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) thực hiện, tham vọng của Trung Quốc nhằm thúc đẩy đồng nhân dân tệ như một loại tiền tệ toàn cầu chỉ đạt được những tiến bộ nhỏ trong suốt ba năm qua.

Tham vọng biến NDT thành loại tiền tệ toàn cầu của Trung Quốc đang ngày càng khó khăn - 1

Đồng Nhân dân tệ hiện đang là tiền tệ được giao dịch nhiều thứ 8 trên thế giới, với doanh thu trung bình 284 tỷ USD/ngày, tăng từ 202 tỷ USD ba năm trước, theo khảo sát ngoại hối ba năm một lần của BIS. Điều đó cho thấy, nó đang phát triển thành một loại tiền tệ quốc tế với tốc độ rất chậm.

Cuộc khảo sát của BIS cũng cho thấy, tỷ lệ đồng Nhân dân tệ trong tất cả các giao dịch tiền tệ đã tăng lên 4,3% so với mức 4,0% trong năm 2016.

Tuy nhiên, đồng đô la Mỹ vẫn giữ được vị trí là đồng tiền thống trị của thế giới, với doanh thu 5,82 nghìn tỷ USD. Đồng đô la Mỹ chiếm 88% các giao dịch tiền tệ - tỷ lệ này ít thay đổi so với 3 năm trước. Đứng thứ 2 là đồng Euro, tiếp đó là đồng yên Nhật.

Các nhà phân tích cho biết, thực tế là tỷ lệ các giao dịch dựa trên đồng Nhân dân tệ đã thay đổi rất ít trong 3 năm qua. Đồng tiền Trung Quốc sẽ không thể sớm vượt qua đồng đô la Mỹ như tham vọng của nước này. Dữ liệu cho thấy, đồng bạc xanh vẫn luôn là loại tiền được lựa chọn trong các giao dịch thương mại quốc tế.

Tuy vậy, về hoạt động bán ngoại tệ, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận mức tăng giao dịch đáng kể lên 136 tỷ USD vào năm 2019, tăng 87% kể từ năm 2016, BIS cho biết. Do đó, Trung Quốc đại lục đã leo lên vị trí thứ 6 trong số các trung tâm giao dịch ngoại hối lớn nhất thế giới, tăng từ vị trí thứ 13 trong cuộc khảo sát trước đó.

Năm trung tâm tài chính lớn nhất vẫn duy trì, theo thứ tự là, Anh, Mỹ, Hồng Kông, Singapore và Nhật Bản, cùng nhau chiếm 79% của tất cả các giao dịch ngoại hối, nghiên cứu nói thêm.

Tham vọng biến NDT thành loại tiền tệ toàn cầu của Trung Quốc đang ngày càng khó khăn - 2
Anh vẫn giữ vị trí số một trong các trung tâm tài chính lớn nhất thế giới

Trung Quốc cũng đang đầu tư tới 1 nghìn tỷ đô la Mỹ, khoản đầu tư mới này sẽ tạo ra một lượng lớn trái phiếu và cổ phiếu bằng đồng nhân dân tệ trong các công ty lớn trên toàn cầu.

Ken Cheung Kin-tai, chiến lược gia tiền tệ châu Á tại Mizuho Bank, cho biết - lý do lớn nhất khiến các nhà đầu tư không muốn sử dụng đồng Nhân dân tệ nhiều là do nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, trong khi đó, chi phí sản xuất tăng còn đồng Nhân dân tệ thì mất giá.

Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn căng thẳng và leo thang có nghĩa là có thể xảy ra vấn đề khi đưa tiền vào Trung Quốc, nếu Mỹ đột nhiên quyết định tấn công thị trường tài chính Trung Quốc.

“Câu chuyện của Trung Quốc đã thay đổi trong 5-6 năm qua. Đây từng là nơi các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội tăng trưởng và tăng giá đồng Nhân dân tệ, nhưng giờ đây, Trung Quốc cần thu hút dòng vốn để bù đắp cho việc mất tiền tài trợ khi người nước ngoài cân nhắc chuyển sang các nước khác”, ông Cheung nói. 

Hôm qua, đồng Nhân dân tệ đã tăng mạnh trở lại khi mối lo ngại chiến tranh thương mại leo thang đã giảm bớt, làm giảm dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ giá đồng Nhân dân tệ để chống lại thuế quan thương mại của Mỹ.

Sau khi Tổng thống Mỹ, Donald Trump tuyên bố hoãn tăng thuế dự kiến ​​từ ngày 1/10 đến ngày 15/10, Trung Quốc cho biết sẽ tạm thời dỡ bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như đậu nành và thịt lợn, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với đậu nành và thịt lợn của các công ty Mỹ.

Các cử chỉ thiện chí đến khi cả hai nước chuẩn bị cho các cuộc đàm phán thương mại vào tháng 10, với việc ông Trump nói rằng Mỹ sẽ xem xét một thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc.

Mặc dù có thể giảm bớt căng thẳng thương mại, Keith Wade, nhà kinh tế và chiến lược gia trưởng tại Schroder cho biết: “Một giai đoạn suy yếu kinh tế toàn cầu vẫn sẽ kéo dài trong bối cảnh có các câu hỏi về sự chủ động của các công ty và hộ gia đình khi đưa ra quyết định chi tiêu”.

Thùy Dung

Theo Scmp