Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu:

Nhân dân tệ phá giá, hàng Trung Quốc đang gây áp lực lớn cho hàng Việt

(Dân trí) - "Mỗi lần đồng Nhân dân tệ phá giá thì áp lực cực lớn đối với đồng tiền của Việt Nam bởi vì so sánh giá trị tương quan giữa đồng Nhân dân tệ đối với đồng USD của Mỹ ngày càng rẻ đi có nghĩa đồng Việt Nam lên giá so với Nhân dân tệ", nhận định của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu với Dân Trí.

Diễn biến Thương chiến Mỹ - Trung ngày càng diễn ra căng thẳng, mới đây hai nước tiếp tục đánh thuế lên nhau, Trung Quốc tiếp tục hạ giá đồng tiền của mình khiến chứng khoán thế giới chao đảo, Việt Nam đã và đang gánh chịu những tác động không mong muốn theo nhiều cách khác nhau.

Chia sẻ với phóng viên Dân Trí, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, Việt kiều Mỹ cho rằng: Đây là cuộc chiến cho quyền lợi Mỹ và sẽ còn nhiều diễn biến khó lường.

Nhân dân tệ phá giá, hàng Trung Quốc đang gây áp lực lớn cho hàng Việt - 1

Chuyên gia tài chính độc lập, TS Nguyễn Trí Hiếu, Việt kiều Mỹ

Là người khá am hiểu chính trường Mỹ, những diễn biến gần đây trong Thương chiến Mỹ - Trung có phản ánh đúng chính sách của Mỹ hay không thưa ông? Liệu có những diễn biến gì tháo ngòi nổ cho thương mại giữa các cường quốc?

- Thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc chưa thấy có cách giải quyết nào cả, ông Donald Trump vừa dự Hội nghị G7 và đưa ra hướng đàm phán lại với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng đàm phán lại mới chỉ là mong muốn của Trung Quốc.

Không có lối thoát nào cả mở ra cho Thương chiến một cách rõ ràng và hai bên vẫn tăng đánh thuế hàng hóa vào nhau.

Liệu tình trạng đó sẽ như nào và tiếp tục ra sao? Mỹ đánh thuế vào Trung Quốc điều này đã giúp lợi thế cho ông Trump thắng cử Tổng thống Mỹ năm 2016 bởi ông ta khơi lại được chủ nghĩa dân tộc của người Mỹ và đặc biệt là việc người Mỹ không thích Trung Quốc.

Và việc đánh thuế, đối đầu với Trung Quốc dự đoán sẽ tiếp tục giúp ông Trump có lợi thế trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020 khi đa số người Mỹ đang cho rằng Trung Quốc lạm dụng thị trường Mỹ, thao túng tiền tệ, bất lợi cho Mỹ.

Nếu thực sự những diễn biến này xảy ra, ông Trump sẽ không dừng lại và tiếp tục dùng công cụ thuế, đòn trừng phạt kinh tế với Trung Quốc làm đòn vận động tranh cử của mình. Cuộc chiến này có thể kéo dài đến năm 2020, khi bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra.

Mặc dù thế giới đang có nhiều cuộc chiến thương mại giữa các đại cường quốc, song giới phân tích, chuyên gia Việt quan tâm hơn đến Mỹ - Trung vì nó áp lực lên đồng tiền, hàng Việt khi Trung Quốc đang là bạn hàng lớn của Việt Nam. Nhân dân tệ đang phá giá mạnh, Việt Nam sẽ chịu thêm tác động nào sắp tới?

- Đồng Nhân dân tệ giảm xuống kỷ lục khoảng 7,1 Nhân dân tệ đổi 1 USD, đối phó với "Thương chiến" với Mỹ, Trung Quốc nếu không cố tình cũng sẽ "làm lơ" để đồng Nhân dân tệ mất giá, điều này sẽ tạo ra lợi thế xuất khẩu cho họ.

Mặc dù việc phá giá đồng nhân dân tệ không bù được cho được thiệt hại lâu dài khi bị Mỹ đánh thuế hàng xuất khẩu nhưng trước mắt sẽ giảm bớt thiệt hại cho Trung Quốc.

Mỗi lần đồng Nhân dân tệ phá giá thì áp lực cực lớn đối với đồng tiền của Việt Nam bởi vì so sánh giá trị tương quan giữa đồng Nhân dân tệ đối với đồng USD của Mỹ ngày càng rẻ đi thì có nghĩa đồng của Việt Nam lên giá so với Nhân dân tệ.

Tôi được biết, hiện hàng của Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng rẻ đi và hàng hóa Việt Nam xuất sang nước này cũng đang đắt đi, áp lực lớn cho hàng Việt, đây là điều bất lợi cho Việt Nam vì là nước nhập khẩu lớn.

Việc Mỹ tiếp tục đánh thuế vào Trung Quốc vừa khiến các doanh nghiệp nước này tại Trung Quốc gánh chịu thiệt hại đồng thời khiến hàng Mỹ xuất sang Trung Quốc như công nghệ cao, nông, thủy sản khó khăn, ảnh hưởng việc làm, điều này không tốt cho lá phiếu bầu Tổng thống, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Theo tôi biết tại Mỹ, ông Trump nói "Thương chiến với Trung Quốc" người dân Mỹ không ảnh hưởng nhiều, nếu có chỉ là tạm thời và Mỹ đưa ra những dẫn chứng là nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm. Bằng chứng là một số doanh nghiệp, công ty xuất khẩu sang Mỹ khó khăn, tạm ngừng sản xuất.

Chính phủ Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc đang phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ chính sách đánh thuế của Mỹ và mới đây nhất, ông Trump cũng yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc làm này của ông ấy chưa được lòng các nhà tư bản Mỹ bởi nó ảnh hưởng đến bản thân các tập đoàn làm ăn ở Trung Quốc. Ngay kể cả lĩnh vực dễ tác động là nông sản Mỹ, nếu không bán được cho Trung Quốc hoặc các mặt hàng bị đánh thuế như máy bay, linh kiện điện tử, nông thủy sản.... không bán được cũng sẽ ảnh hưởng đến người dân Mỹ.

Theo ông "Thương chiến Mỹ - Trung" thời gian tới sẽ ra sao và Việt Nam sẽ phải tính toán gì trước nhiều kịch bản có thể xảy ra?

- Có thể "Thương chiến" sẽ là cuộc đi lên, đi xuống theo từng thời điểm khác nhau, tùy thuộc vào thái độ của hai bên.

Tại thời điểm này cũng nổ ra tranh cãi thực sự việc Mỹ đánh thuế như vậy thì ai thiệt hại hơn ai? Người ta đều nói thiệt hại cho cả hai bên. Hiện nay, có rất nhiều người ủng hộ ông Trump vì thái độ tức giận với Trung Quốc của cộng đồng người Mỹ là rất lớn.

Tuy nhiên, cũng có không ít người phản đối ông Trump vì việc đánh thuế lên Trung Quốc vô tình khiến họ mất việc làm, mất thu nhập. Điều này có thể sẽ tác động đến chính sách của ông Trump, rồi tác động đến những diễn biến mới và có thể đến cả bản chất của cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc.

Một điều khá rõ là tác động của Thương chiến Mỹ - Trung khiến giá vàng thế giới tăng cao, kéo theo giá vàng tại Việt Nam tăng mạnh, trong khi nguồn vốn ngoại vào Việt Nam đang suy giảm. Sắp tới, theo ông có những điều lo ngại nào khác xảy ra hay không?

- Giá vàng, chứng khoán sẽ biến động xấu đi nếu "Thương chiến" tiếp tục leo thang trong các cuộc xung đột thương mại nổ ra giữa các cường quốc lớn.

Về nguồn vốn FDI vào Việt Nam, Mỹ không phải là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam mà là các doanh nghiệp Nhật, Hàn. Trong bối cảnh Mỹ và phương Tây trừng phạt Nga, Mỹ - Trung đánh thuế vào nhau, rồi Nhật và Hàn Quốc đang xảy ra xung đột thương mại... bối cảnh này khiến luồng vốn toàn cầu giảm đi và Việt Nam không ngoại lệ.

Tuy nhiên, vấn đề gốc rễ của việc suy giảm này chính là sức hút của Việt Nam. Mặc dù chúng ta đã, đang và sẽ tham gia rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do song và đa phương thế hệ mới (FTAs) song chưa thể vì điều này mà vốn ngoại tăng ngay hoặc kỳ vọng đại dự án được.

Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Mỹ chưa mặn mà đối với Việt Nam, họ thấy có trở ngại là chính sách thu hút của chúng ta còn nhiêu khê, thủ tục chồng chéo. Đặc biệt, nhà đầu tư Mỹ rất ghét đút lót, lót tay các dự án đầu tư.

Hơn nữa, doanh nghiệp Mỹ họ chưa thấy thị trường Việt Nam có lợi thế về tiêu thụ nên họ ngại đầu tư. Thay vì Trung Quốc họ đầu tư, được hưởng lợi cả về đầu tư và có luôn thị trường của mình.

Khi Thương chiến Mỹ - Trung diễn ra, rất nhiều chuyên gia kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành trọng tâm để thu hút vốn ngoại, đặc biệt chúng ta có những cú huých từ hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới kể trên. Tuy nhiên, vốn FDI cam kết vào Việt Nam 8 tháng qua đã giảm 1,7 tỷ USD, ông có cho rằng thu hút vốn ngoại giờ đã khác, không đơn thuần và đơn giản như trước kia, thưa ông?

- Rõ ràng! Ngay cả khi Việt Nam tham gia CPTPP và sắp tới EVFTA, tôi tiếp xúc với một số doanh nghiệp Mỹ, họ cũng khá thận trọng để đầu tư vào Việt Nam, đa phần họ chủ yếu làm vấn đề mậu dịch thương mại là chính.

Hiện nay, thế giới cũng đều vận động và chúng ta đi một, người khác cũng đi một, thậm chí đi hơn. Cách chúng ta tham gia các FTAs thế hệ mới, các nước khác cũng bắt tay, cũng tham gia, chỉ có điều tính thực thi của họ cao hơn, cơ chế kinh tế, quản lý của họ hiệu quả hơn, chính sách đi vào cuộc sống nhanh hơn.

Chúng ta phải hiểu Việt Nam đang bị đặt trong bối cảnh các nước cũng đều gia nhập hàng loạt các FTAs thế hệ mới với các nước liên khu vực, hoặc song phương với các thị trường mới. Vì vậy, cuộc chơi không dành cho những ai đi chậm hơn.

Singapore, Thái Lan đều tham gia các hiệp định mà Việt Nam tham gia như CPTPP và họ cũng có ý định đàm phán song phương với các thị trường lớn, điều này giúp họ hấp dẫn hơn, cạnh tranh hơn. Các nước Thái Lan, Singapore, Ấn Độ vốn là địa chỉ đầu tư của phương Tây, sẽ lợi thế hơn Việt Nam, đây là điều khó bàn cãi.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền

(Thực hiện)