1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thâm nhập thủ phủ “vàng đỏ” saffron ở Iran

Saffron, một loại gia-vị-thảo-dược ở vùng Trung Đông, được mệnh danh là “vàng đỏ”, có giá đắt hơn cả vàng 4 số 9! Những bí mật về saffron được phần nào “bật mí” khi chúng tôi tìm đến Khorasan – một tỉnh thuộc vùng đông bắc Iran, thâm nhập thủ phủ saffron đúng vào mùa thu hoạch.

Khám phá vựa nghệ tây

Mùa hoa nghệ tây nở rộ là lúc Khorasan, một tỉnh ở miền đông bắc Iran trở nên nhộn nhịp. Mỗi năm Iran xuất khẩu được hơn 400 triệu USD saffron nhưng nguồn lợi thương mại của saffron cũng như từ các chế phẩm của loại gia vị thảo dược này có thể lên đến hàng tỷ USD mỗi năm bởi Iran xuất khẩu saffron nguyên liệu đi rất nhiều nước. Vào mùa, rất nhiều nhà buôn saffron khắp thế giới sẽ tụ họp ở Khorasan để săn đón được những mẻ vàng đỏ đầu tiên của vụ mới.

Thâm nhập thủ phủ “vàng đỏ” saffron ở Iran - 1

Ali Jalili - một doanh nhân trẻ của Iran đang xuất khẩu saffron tới hơn 10 quốc gia tại Khorasan lý giải: “Thị trường xuất khẩu chính saffron của Iran là Dubai (thuộc Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất), các nước Tây Âu và Mỹ. Cỗ máy thương mại tại những quốc gia này đã tạo nên một cơn sốt saffron. Họ cũng chi tiền cho việc quảng bá nên nói saffron là “vàng đỏ” có thể hiểu nó không chỉ là “vàng đỏ” với người tiêu dùng mà còn là “vàng đỏ” với những thương nhân, những công ty làm thương mại saffron.

Tôi bất ngờ khi ghé thăm một cửa hàng khá lớn bày bán saffron ở thành phố Mashhad, thành phố lớn thứ hai của Iran, để hỏi về việc tìm mua buôn saffron vụ mùa mới trực tiếp tại các nông trại. Anh chàng bán hàng tròn mắt nói: “Tôi bán saffron chục năm nay rồi những tôi cũng chưa bao giờ đi tới những cánh đồng nghệ tây”. Ở Iran saffron là món hàng “hot” nhưng đó là câu chuyện khá bí mật, của dân trong nghề.

Ở Mashhad có một sàn giao dịch saffron khá kín đáo dành cho những người mua số lượng lớn. Saffron sau khi ra lò được đưa lên “sàn”. Đây cũng là địa điểm được giới thương lái mua buôn saffron gom hàng rồi bắt đầu phân phối cho các đại lý thứ cấp. Saffron sở dĩ được gọi là “vàng đỏ” cũng một phần bởi nó có giá giao dịch hàng ngày được niêm yết như vàng 4 số 9. Ở Dubai, thị trường thương mại số 1 của saffron, giá saffron cũng được điều tiết theo nhu cầu thị trường.

Mỗi bông hoa nghệ tây (tên khoa học crocus sativus) cho được 3 nhụy và chỉ phần tinh tuý nhất màu đỏ tươi nằm ở thân trên của nhuỵ (stigma) mới được tạo thành saffron. Khoảng 250 đến 300 bông hoa nghệ tây mới cho ra được 1gram saffron, nghĩa là mỗi 1kg saffron cần tới 250.000 tới 300.000 bông hoa nghệ tây.

Quy trình từ hoa nghệ tây trên cánh đồng để tạo ra gia vị vàng đắt giá nhất hành tinh được giữ kín bởi nhà sản xuất bởi không nhiều quốc gia có công nghệ bào chế saffron. Reza - Giám đốc marketting của một công ty saffron ở Mashhad cho biết, việc cho chúng tôi vào phòng bào chế saffron là một ngoại lệ chưa từng có. Lý do là vì quy trình bào chế được nhà sản xuất giữ bí mật rất kỹ do mỗi hãng có một bí quyết để làm ra loại saffron tốt nhất.

Đắt hơn vàng nhưng vẫn… rẻ

Không phải ngẫu nhiên saffron được gọi là “vàng đỏ”. Loại saffron chất lượng nhất thế giới có thể được bán với giá 65USD/gram. Nghĩa là 1kg saffron quý hiếm này có giá lên tới 65.000USD, khoảng hơn 1,5 tỷ đồng theo tỷ giá hiện nay.

Trong khi đó 1kg vàng (hơn 26,6 lượng vàng) theo mức giá trung bình của năm 2018 cũng chỉ có giá chưa tới 1 tỷ đồng.

Chúng tôi tìm đến Viện Nghiên cứu saffron ở Mashhad để đi tìm giải đáp cho câu hỏi: “Tại sao saffron đắt hơn vàng ròng?”.

Saffron là một loại gia vị có lai lịch khá kỳ lạ. Nó đã được dùng từ thời cổ đại, khi Nữ hoàng Cleopatra muốn giữ gìn vẻ đẹp cùng sự trẻ trung của mình. Có lẽ vì thế mà đến tận bây giờ với phái đẹp, nhuỵ nghệ tây vẫn được ca ngợi là “thần dược”. Theo Hippocrates, nhà y học nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại, nghệ tây có rất nhiều công dụng trong điều trị ho, cảm lạnh, đau dạ dày, mất ngủ, đầy hơi, thậm chí là trị cả chảy máu tử cung, bệnh tim.

“Tất nhiên không phải loại saffron nào cũng có thể bán được với giá 65USD/gram. Đó phải là loại saffron tinh tuý nhất, được làm ra với quy trình thủ công nhất và đương nhiên là organic. Loại saffron như thế được coi như thứ dược liệu, thực phẩm chức năng vô cùng quý hiếm, chứ không đơn giản là một loại gia vị nữa”- TS Hamed - Viện trưởng Viện Nghiên cứu saffron của Iran cho biết.

Tiến sĩ Hamed phân tích thêm, saffron có rất nhiều tác dụng nhưng hợp chất chống oxy hoá giúp con người giữ được sự trẻ trung, làm chậm quá trình lão hoá được chứng minh từ hàng ngàn năm trước. Saffron còn có tác dụng trong điều trị ung thư hay bệnh alzheimer. Tất nhiên nó còn là một loại gia vị làm các món ăn trở nên cao cấp hơn.

Thâm nhập thủ phủ “vàng đỏ” saffron ở Iran - 2

Nhụy nghệ tây đã được tôn vinh và đi qua một chặng đường lịch sử rất dài từ hàng ngàn năm trước để rồi ngày hôm nay trở thành thứ gia vị thảo được được cả thế giới trân quý.

Reza – vị Giám đốc Marketing của một Công ty chuyên về saffron chia sẻ: “Đừng nhìn saffron ở góc độ giá cả mà hãy nhìn nó ở góc độ giá trị. Nếu hiểu đúng bản chất của saffron thì đây là loại thảo dược quý nhưng giá… rất rẻ”.

Ông lý giải: “Ngay cả với loại saffron đắt nhất là 65USD/gram thì một người dùng liên tục hàng ngày cũng phải một tháng mới hết. Nếu chia theo tỷ lệ thì mỗi ngày cũng chỉ dùng hết 50.000VND, nghĩa là còn chưa bằng giá một cốc cà phê Starbuck cỡ nhỏ!”.

Chỉ cần từ 5-7 sợi saffron là đã đủ dùng cho một lần uống với thể tích 300ml nước. Cách dùng saffron cũng rất đơn giản. Hơn một năm trở lại đây, saffron cũng bắt đầu được biết đến ở Việt Nam và tạo nên cơn sốt nhưng đa phần nhà nhập khẩu và người tiêu dùng vẫn đang say sưa với những gì được nghe kể hơn là trải nghiệm nhuỵ nghệ tây như một loại gia vị thảo dược kể một câu chuyện văn hoá đặc biệt.
 

Quy trình thu hái và bào chế saffron được nhà sản xuất giữ kín vì mỗi đơn vị có một bí quyết riêng.

Loại saffron đắt giá nhất thế giới có giá cao hơn cả vàng 4 số 9.

Mỗi năm Iran sản xuất được trên dưới 300 tấn saffron, chiếm tới hơn 93% tổng sản lượng saffron của thế giới. 82% trong số tổng số 300 tấn saffron của Iran là để xuất khẩu. Hy Lạp sản xuất được 5,7 tấn trong khi tổng sản lượng của Kashmir và Morocco chỉ là hơn 2,3 tấn. Về diện tích trồng saffron, Iran cũng chiếm hơn 90% tổng diện tích gieo trồng nghệ tây toàn thế giới với hơn 50.000ha.

Theo Nam Khang
Dân Việt

bannerchan-bai-1520499512777326906926-15389023313932091006234.gif