Thâm nhập "ma trận" khẩu trang: Kiếm bạc tỷ mỗi tháng

Ngoài những người thợ chuyên lắp đặt, bảo dưỡng, sửa máy sản xuất khẩu trang, nhiều tiểu thương buôn bán nguyên liệu phục vụ cho ngành sản xuất khẩu trang như giấy, vải, dây chun… cũng đang hái ra tiền từ cơn sốt mặt hàng này.

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng gần như bị “đóng băng”. Tuy nhiên, trong rủi có may, lĩnh vực sản xuất, cung cấp nguyên liệu và sửa chữa dây chuyền làm khẩu trang lại hốt bạc.

20 triệu đồng/giờ làm việc

Vốn có nhà máy sản xuất khẩu trang tại Hưng Yên, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, nhận thấy nhu cầu thị trường đối với mặt hàng khẩu trang tăng chóng mặt, anh Phạm Văn Khanh - Giám đốc một công ty sản xuất khẩu trang ở Bắc Ninh quyết định nhập thêm dây chuyền để tăng sản lượng khẩu trang phục vụ nhu cầu khách hàng.

Thâm nhập ma trận khẩu trang: Kiếm bạc tỷ mỗi tháng - 1

Nhóm thợ sửa máy sản xuất khẩu trang, trong đó có anh Lý Liên Kiệt chuyển nghề từ thợ nhôm kính. Ảnh: M.Đ


Theo đó, anh Khanh mạnh dạn nhập 5 dây chuyền sản xuất khẩu trang gồm các công đoạn: dập phôi, dập dây chun và hoàn thành sản phẩm với 3 loại máy riêng biệt. Mỗi dây chuyền đầu tư từ 3 tỷ đến 4 tỷ đồng.

“Bình thường, giá nhập dây chuyền sản xuất khẩu trang chỉ khoảng trên 1 tỷ đồng. Dịp này, giá tăng gấp 3 lần, vậy nên, nếu không nhanh tay và có mối quen sẽ không nhập được”, anh Khanh cho biết.

Cũng theo anh Khanh, Việt Nam hiện nay có 3 nguồn cung cấp máy sản xuất khẩu trang chính là từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc.

Nhập được dây chuyền sản xuất về nhưng để lắp đặt, hiệu chỉnh dây chuyền để đưa máy vào hoạt động, anh Khanh mất rất nhiều thời gian. Đây là dây chuyền sản xuất nhập từ nước ngoài nên trong nước gần như không có kỹ sư. Trước đây, kỹ sư lắp các dây chuyền này đều do chuyên gia nước ngoài - nhà sản xuất cung cấp máy thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên dù nhập được máy về Việt Nam, nhưng để tìm được chuyên gia lắp đặt khó như “hái sao”.

Chúng tôi theo chân anh Phạm Văn Đông - chủ một xưởng sản xuất khẩu trang đang lắp ráp tại Bắc Ninh vào nhà xưởng. Nhà xưởng sạch sẽ, 4 dây chuyền sản xuất khẩu trang đang trong giai đoạn lắp đặt. Mỗi dây chuyền gồm máy dập phôi, máy gắn dây chun và đóng bao nilon cho khẩu trang thành phẩm.

Sau khi đầu tư vốn nhập dây chuyền, những chủ xưởng sản xuất khẩu trang như anh Đông xác định, trước mắt sẽ sản xuất khẩu trang đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu đi các khu vực đang có dịch, nhu cầu mua khẩu trang lớn như châu Âu, Mỹ… Khi hết dịch COVID-19, xưởng của anh Đông sẽ sản xuất khẩu trang ngăn bụi thông thường để cung cấp cho khách hàng làm việc trong môi trường bụi bặm như nhà xưởng, công trường.

“Chúng tôi nhẩm tính, với nhu cầu khẩu trang lớn như hiện nay, chỉ khoảng 2-3 tháng sẽ hoàn vốn đầu tư và bắt đầu có lãi. Hơn nữa, với những kết quả phòng chống dịch COVID - 19 rất tốt của nước ta đã giúp nhiều đối tác nước ngoài tin tưởng vào chất lượng các loại sản phẩm phòng chống dịch của Việt Nam, trong đó có khẩu trang”, anh Đông chia sẻ.

Đang tỉ mẩn căn chỉnh cho máy dập dây chun tạo quai khẩu trang, song điện thoại của anh Lê Văn Hạnh - một thợ lắp máy sản xuất khẩu trang liên tục nhận được cuộc gọi từ các nhà xưởng đặt lịch sửa máy. Theo anh Hạnh, một tốp thợ lắp dây chuyền sản xuất khẩu trang khoảng 2 người. Tổng thời gian lắp máy khoảng 3-4 ngày và mất thêm khoảng 4 ngày để căn chỉnh cho máy làm việc trơn tru, không bị lỗi.

“Công lắp máy của chúng tôi từ 150 - 200 triệu đồng/máy. Mùa dịch, máy chạy hết công suất, 24/24h mỗi ngày. Mỗi phút dây chuyền sản xuất khoảng 80-120 chiếc khẩu trang thành phẩm”, anh Hạnh cho biết.

Vì máy chạy liên tục hết công suất nên nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa cũng tăng cao. Mỗi lần chủ xưởng thuê thợ (2 người) bảo dưỡng máy phải trả chi phí lên tới 50 triệu đến 80 triệu đồng/2 giờ làm việc. Như vậy, chủ xưởng sản xuất phải trả khoảng 20 triệu đồng/1 giờ công nhân sửa máy. Tiền công cao ngất ngưởng và nhu cầu thợ cao khiến tốp thợ của anh Hạnh và những đồng nghiệp làm không hết việc.

Những người thợ lắp và bảo dưỡng máy sản xuất khẩu trang như anh Hạnh vốn xuất thân từ thợ vận hành dây chuyền sản xuất. Trong quá trình làm việc, anh Hạnh học “lỏm” từ chuyên gia nước ngoài, vừa áp dụng kinh nghiệm vận hành dây chuyền thực tế. Khi “khan hiếm chuyên gia nước ngoài”, anh Hạnh tranh thủ cơ hội trở thành thợ lành nghề.

Tiểu thương buôn giấy, vải, dây chun lãi đậm 

Ngoài những người thợ chuyên lắp đặt, bảo dưỡng, sửa máy sản xuất khẩu trang, nhiều tiểu thương buôn bán nguyên liệu phục vụ cho ngành sản xuất khẩu trang như giấy, vải, dây chun… cũng đang hái ra tiền từ cơn sốt mặt hàng này.

Chị Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương tại chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, bình thường giá nguyên liệu vải sản xuất khẩu trang dao động từ 40 - 50 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay, giá bán các nguyên liệu này đã tăng lên 200 - 250 triệu đồng/tấn.

“Nhu cầu mua nguyên liệu tại Việt Nam rất lớn. Nhiều nhà sản xuất hàng ngày phải đi thu gom khắp nơi. Lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là do dịch bệnh khiến việc giao thương bị hạn chế, dẫn tới tình trạng khan hiếm và giá nguyên liệu bị đẩy lên cao”, chị Hoa chia sẻ.

Theo chị Hoa, việc sản xuất các trang thiết bị, đồ bảo hộ y tế tại Việt Nam rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nguồn nguyên liệu giấy, giấy kháng khuẩn, dây chun hiện nay chủ yếu nhập từ Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện là vùng dịch nên tiểu thương hạn chế nhập nguyên liệu từ quốc gia này. Mặc dù trong nước có một số doanh nghiệp sản xuất được vải kháng khuẩn nhưng số lượng ít, chưa đủ đáp ứng thị trường.

Ngoài nhu cầu trong nước, quyết định cho xuất khẩu khẩu trang y tế của Chính phủ cũng một phần thúc đẩy các doanh nghiệp tận dụng cơ hội thị trường để sản xuất.

Cụ thể, theo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 6/4/2020, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương thúc đẩy thực hiện nhanh hơn việc hợp tác, hỗ trợ, xuất khẩu một số loại phương tiện, vật tư y tế (trong đó các loại khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn) cho các nước có nhu cầu, nhất là các nước châu Âu, Mỹ…

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có trên 70 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế với năng lực sản xuất dự kiến 5,720 triệu chiếc/ngày và 40.000 chiếc khẩu trang N95 hoặc tương đương/ngày.

Cả nước có 40 doanh nghiệp đang sản xuất khẩu trang kháng giọt bắn, kháng khuẩn với tổng năng lực sản xuất 7 triệu chiếc/ngày. Các doanh nghiệp đã sản xuất 30 triệu chiếc, trong đó đã xuất khẩu được 7 triệu chiếc.

Theo Minh Đức - Ngọc Linh

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm