1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Thấm đòn" Covid-19, nhiều chủ doanh nghiệp rao bán ô tô, bất động sản

(Dân trí) - Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, doanh nghiệp thực sự khó khăn trước những tác động của đại dịch toàn cầu. Nhiều chủ doanh nghiệp đã phải rao bán ô tô, bất động sản.

Thấm đòn Covid-19, nhiều chủ doanh nghiệp rao bán ô tô, bất động sản - 1

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Công Thương cho biết thấy có nhiều chủ doanh nghiệp đã phải rao bán ô tô, bất động sản để trả nợ, trả lương cho nhân viên...

Báo cáo Bộ trưởng Công Thương cuộc họp chiều 24/4, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp đã thông tin sơ bộ tình hình doanh nghiệp sản xuất trong tháng 4/2020. Từ đầu tháng 4 cũng chính là thời điểm cả nước bắt đầu thực hiện cách ly xã hội khi dịch Covid-19 bùng phát.

Theo đó, ông Hoài cho biết, trong tháng 4/2020, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành điện tử, dệt may, da - giày gặp nhiều khó khăn trong việc lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hoá và tổ chức sản xuất do các biện pháp cách ly của các tỉnh, thành phố.

Đến cuối tháng 4/2920, các khó khăn đối với thị trường xuất khẩu của các ngành dệt may, da - giày, điện tử, sản xuất đồ gỗ về cơ bản vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện khi các quốc gia châu Âu và Mỹ chưa có dấu hiệu kiểm soát được dịch bệnh.

“Có thể dự báo chỉ số sản xuất công nghiệp của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 4/2020 sẽ sụt giảm so với tháng 3/2020 và giảm khá sâu so với cùng kỳ năm trước", ông Hoài thông tin.

Đáng lưu ý, trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19, song việc tiếp cận hỗ trợ của các doanh nghiệp còn khó khăn.

Cụ thể, ông Hoài cho biết, đối với chính sách hỗ trợ tín dụng tại Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước, theo thông tin từ phía các hiệp hội, đến nay các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là nhỏ và vừa hầu như không thể tiếp cận các ưu đãi này.

Đồng thời nhiều doanh nghiệp cho rằng, chính sách ưu đãi về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là chưa đủ mạnh để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp công nghiệp.

Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cũng cho biết, tổng mức bán lẻ quý I/2020 tăng thấp trong vòng nhiều năm.

Với tình hình dịch bệnh, các biện pháp giãn cách xã hội, vị này cho rằng mục tiêu về tăng trưởng tổng mức bán lẻ được giao từ đầu năm rất khó để có thể thực hiện được.

“Người tiêu dùng giảm mua sắm, khách du lịch cũng sụt giảm. Tiêu thụ giảm một cách rõ rệt khi thực hiện giãn cách. Sang tới tháng 4, còn chịu tác động lớn hơn”, vị này cho biết. Việc tiêu thụ giảm khiến cho lượng hàng tồn kho tăng cao.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, doanh nghiệp thực sự khó khăn trước những tác động của đại dịch toàn cầu.

Ông Vượng cho hay, ông thấy có nhiều chủ doanh nghiệp đã phải rao bán ô tô, bất động sản để trả nợ, trả lương cho nhân viên, cầm cự kinh doanh.

Nhấn mạnh đến vai trò quản lý của Bộ Công Thương, ông Vượng đề nghị các cục, vụ, đơn vị thuộc bộ tập trung vào 2 nhóm giải pháp: Hỗ trợ yếu tố đầu vào và thị trường đầu ra, gỡ khó cho doanh nghiệp.

Không phải tất cả đều màu “tối", ông Vượng lưu ý việc thúc đẩy những thuận lợi nhất định của nền kinh tế hiện nay, chẳng hạn như Hiệp định EVFTA. Hay sự xuất hiện Covid-19 mang lại cú hích giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh...

Ông Vượng nhấn mạnh thêm, việc hỗ trợ doanh nghiệp cần được đẩy nhanh và tránh rườm rà. Ông yêu cầu Cục điều tiết điện lực nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ 11.000 tỷ đồng miễn giảm tiền cho người dân, doanh nghiệp.

“Chúng ta đã xây dựng phương án và việc triển khai ngay đầu tháng tới. Cục điều tiết điện lực phải giám sát chặt chẽ, làm sao để doanh nghiệp người dân không phiền hà bất cứ thủ tục gì", ông Vương nhấn mạnh: Đừng để doanh nghiệp muốn được hưởng hỗ trợ lại phải làm “cái này cái kia”.

Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm