1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thái Lan “khai tử” chính sách trợ giá lúa gạo

(Dân trí) - Chính phủ Thái Lan ngày 11/2 tuyên bố sẽ kết thúc chương trình trợ giá lúa gạo gây tranh cãi của nước này. Chính sách mua thóc gạo giá cao cho nông dân mà Thủ tướng Yingluck Shinawatra theo đuổi đã gây thua lỗ trầm trọng và đẩy nhiều nông dân vào cảnh bi kịch.

Nông dân Thái biểu tình đòi nợ bán lúa gạo cho Chính phủ.
Nông dân Thái biểu tình đòi nợ bán lúa gạo cho Chính phủ.


Theo tờ Financial Times, Phó thủ tướng Thái Lan Niwatthamrong Boonsongpaisan cho biết chương trình trợ giá lúa gạo sẽ kết thúc vào ngày 28/2 này vì Chính phủ tạm quyền của nước này hiện nay không có thẩm quyền gia hạn chương trình.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:



Trước đó, những người nông dân Thái bị Chính phủ nợ tiền mua lúa gạo theo chương trình trợ giá đã xuống đường biểu tình, kéo đến các cơ quan chính phủ để đòi tiền. Thậm chí, đã có những nông dân bị cho là không đòi được tiền chính phủ để trả nợ nên cùng quẫn phải tự tử như tờ Wall Street Journal đưa tin.

Tuyên bố bất ngờ của Chính phủ Thái Lan về chấm dứt chương trình trợ giá lúa gạo đã làm gia tăng tính chất căng thẳng trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát chính trị ở nước này. Cuộc đấu giữa phe của Thủ tướng Yingluck và phe đối lập vẫn chưa ngã ngũ kể từ sau cuộc tổng bầu cử hôm 2/2.

Do bị phe đối lập phá hoại, kết quả của cuộc bầu cử đến nay vẫn chưa thể được công bố và theo thông tin mới nhất, Thái Lan sẽ tổ chức bầu cử lại vào ngày 27/4. Chính phủ của bà Yingluck hiện nay chỉ là chính phủ tạm quyền.

Chính sách trợ giá lúa gạo được xem là trọng tâm trong những nỗ lực của bà Yingluck nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri thuộc các vùng nông thôn nghèo của Thái Lan. Tuy nhiên, chương trình đã gây ra sự tốn kém lớn cho ngân sách quốc gia.

Hai năm rưỡi trước, chương trình trợ giá thóc gạo của Chính phru Thái Lan bắt đầu thu mua thóc gạo từ nông dân với giá 18.000 Baht, tương đương 550 USD, mỗi tấn, cao hơn 50% so với giá thị trường. Con số chính thức cho thấy, chương trình này tiêu tốn của Chính phủ Thái 4 tỷ USD mỗi năm và đã khiến Thái Lan tuột mất ngôi nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Do mua lúa gạo từ nông dân với giá cao, Chính phủ Thái Lan không thể xuất khẩu được số gạo đó với mức giá tương tự. Thậm chí, có những ước tính cho thấy, mỗi năm, Bangkok phải chi 7 tỷ USD cho chương trình. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Pridiyathorn Devakula ước tính, tổng mức thua lỗ của chương trình có thể lên tới 12 tỷ USD.

Khủng hoảng chính trị nổ ra khiến Thủ tướng Yingluck không thể huy động tiền từ các nhà băng hay bán trái phiếu để có tiền trả nợ mua thóc gạo cho nông dân. Tuy vậy, khi tuyên bố chấm dứt chương trình trợ giá lúa gạo, nhà chức trách Thái cũng không loại trừ khả năng khởi động lại chương trình trong tương lai.

Phó thủ tướng Thái Lan Niwatthamrong nói rằng, bất kỳ chương trình trợ giá lúa gạo tiếp theo nào của Thái Lan cũng cần phải được “cân nhắc thận trọng” và phải được Ủy ban Bầu cử Quốc gia Thái Lan thông qua. Trong khi đó, ủy ban này bị những người ủng hộ bà Yingluck cho là hậu thuẫn phe đối lập.

Phương Anh
Tổng hợp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước