Thách thức lớn khi tăng trưởng thấp, chỉ số tăng giá không dễ “níu” dưới 4%

(Dân trí) - Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ số CPI đã ở mức 3,96%. Đại biểu Quốc hội lo ngại theo thông lệ cuối năm giá cả sẽ còn tăng, không dễ giữ được mức này. Trong khi đó, GDP chỉ có thể tăng 2-3%.

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 2020, dự kiến kế hoạch 2021 được đưa ra thảo luận tại phiên họp của UB Kinh tế chiều 25/9 cho thấy, năm 2020, có 8/12 chỉ tiêu phát triển ước đạt và vượt kế hoạch.

Trong đó, những chỉ tiêu cơ bản được đề cập là, chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 3,5 đến 3,9%, xuất siêu khoảng 2,6% (mục tiêu nhập siêu dưới 3%), tổng vốn đầu tư toàn xã hội 33,6% (mục tiêu 33-34%)...

Những chỉ tiêu không đạt, ngoài GDP (từ 2-3%), còn có tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 1% (mục tiêu 7%); tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị ước thực hiện 4,39% (mục tiêu dưới 4%); tỷ lệ lao động qua đào tạo thực hiện 64,5% (mục tiêu 65%).

Thách thức lớn khi tăng trưởng thấp, chỉ số tăng giá không dễ “níu” dưới 4% - 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (giữa), Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh (đứng) chủ trì phiên họp thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2020, kế hoạch năm 2021.
 

Chính phủ nhận định, kết quả đạt được là tích cực, thể hiện ở sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng.

Tốc độ tăng trưởng cả năm 2020 dù còn kém xa chỉ tiêu 6,5% đề ra nhưng Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao.

Phía Chính phủ cũng nhìn nhận lạc quan cho tình hình những tháng cuối năm với việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 (được xem như là một điểm sáng của năm 2020), tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế xã hội. Người dân và doanh nghiệp được hỗ trợ kịp thời, đến hết tháng 8/2020, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất, cho vay mới với lãi suất ưu đãi với tổng số dư nợ vay trên 3 triệu tỷ đồng; giảm giá tiền điện 9.200 tỷ đồng; gia hạn nộp trên 66.000 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất; hỗ trợ 12.400 tỷ đồng cho gần 12,5 triệu người dân và 23.000 hộ kinh doanh…

Năm 2020 cũng thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài tốt với tổng số vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn, mua cổ phần đạt trên 20 tỷ USD; dự kiến có nhiều tập đoàn công nghệ và công nghiệp phụ trợ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Ở góc độ khác, các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế xã hội bày tỏ không ít băn khoăn về những con số được thống kê.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề, chỉ tiêu CPI 4% có ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng thế nào?

Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đặt chỉ số tăng giá tiêu dùng và tỷ lệ tăng GDP cạnh nhau để so sánh. Trong điều kiện GDP chỉ tăng có 2-3% mà CPI ở mức gần 4% sẽ ảnh hưởng tích cực và tiêu cực thế nào với tăng trưởng. Ông Vinh muốn biết, trong bối cảnh chống dịch Covid- 19 Chính phủ đã có nhiều biện pháp để bình ổn giá cả?

Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh nêu thực tế, chỉ tiêu kiểm soát mức tăng giá năm 2020 đặt ra là dưới 4%, hiện tại, CPI là 3,96%, dù được xếp vào nhóm chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu ở thời điểm này nhưng vẫn đáng lo ngại. Bởi, theo truyền thống, cứ cuối năm giá cả lại tăng.

“Vậy đến hết năm có thể đạt chỉ tiêu khống chế CPI dưới 4% không? Phải phân tích đánh giá có cơ sở, hoặc có giải pháp ứng phó chủ động” – Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị.

Bên cạnh CPI, cả Phó tổng Kiểm toán Đặng Thế Vinh và Phó Chủ nhiệm Trần Văn Minh đều cùng quan tâm đến mối quan hệ giữa tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 1% (so với chỉ tiêu tăng 7%), với kết quả tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đặt ra dưới 3% thì đã xuất siêu 2,6%.

Theo ông Minh, nhìn vào đây, dù xuất siêu nhưng cảm thấy đáng lo ngại, bởi tổng cầu giảm do Covid-19, hoạt động của nền kinh tế thiếu năng động, trì trệ, vì nguyên liệu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.Ông Vinh thì đề nghị cần đánh giá kỹ hơn về mối quan hệ của hai chỉ tiêu xuất - nhập khẩu.

Một chỉ tiêu khác được dự báo sẽ hoàn thành nhưng theo các đại biểu, cũng lại đáng lo, là tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Kết quả đến thời điểm báo cáo, là tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt 33,6% (kế hoạch 33-34%). Tuy nhiên, các đại biểu chỉ ra thực tế, hết 8 tháng, việc giải ngân mới được 47%.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh phàn nàn, dù Chính phủ đã lập 7 đoàn công tác đi đôn đốc trên cả nước nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng cũng mới đạt 47%. Ông Thanh nghi ngại, vậy khả năng thực hiện được 100% như yêu cầu của Thủ tướng có thực hiện được không?

Tăng trưởng gấp đôi trong năm 2021
 
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, báo cáo của Chính phủ nêu dự kiến 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.
 
Trong đó GDP tăng khoảng 6-6,5%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...
 
Năm 2021, Chính phủ cũng nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế về tích lũy, tiêu dùng; ngân sách nhà nước; xuất, nhập khẩu hàng hóa; điện; lương thực; trong đó: tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng so với GDP khoảng 71,3%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4% GDP; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 5%; sản lượng lương thực đạt khoảng 43 triệu tấn...
Thái Anh