Thắc thỏm chờ thưởng Tết

Bên cạnh một số doanh nghiệp với mức thưởng khá, đa số cố gắng có tháng lương thứ 13, trong khi nhiều nơi, người lao động có nguy cơ không được thưởng Tết

Chiều 12/12, Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho biết đã có 98 doanh nghiệp (DN) báo cáo tình hình lương, thưởng Tết. Theo đó, mức thưởng Tết cao nhất ở khu vực có vốn nước ngoài là hơn 200 triệu đồng/người, thấp nhất 2,3 triệu đồng; DN trong nước có mức thưởng cao nhất là hơn 55 triệu đồng/người, thấp nhất 2,14 triệu đồng. Theo đại diện Hepza, đa số người lao động (NLĐ) đều được thưởng Tết, trung bình là 1 tháng lương (không có phụ cấp). Thời gian phát thưởng là từ ngày 25/1 đến 7/2/2013.

Cố gắng... bằng năm rồi!

Tại TPHCM, theo ghi nhận của chúng tôi, thưởng Tết đã trở thành thông lệ nên hầu hết DN đều có sự chuẩn bị. “Để NLĐ an tâm làm việc, ngay từ đầu tháng 12-2012, DN đã công bố mức thưởng Tết. Năm nay, thưởng Tết là 2,3 tháng lương, bình quân mỗi lao động nhận được khoảng 11 triệu đến 12 triệu đồng” - ông Phạm Văn Có, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty CP May Sài Gòn 3 (thuộc Tổng Công ty Dệt may Gia Định), cho biết.

Kế hoạch thưởng Tết của Công ty Sanofi Aventis (quận 4 - TPHCM) cũng được công bố rất sớm. Trong tháng 12, NLĐ nhận được 3,5 triệu đồng tiền thưởng và 2 triệu đồng tiền quà Tết. Trong tháng 1-2013, NLĐ sẽ nhận tháng lương thứ 13 của công ty và quà tặng trị giá 500.000 đồng/người của CĐ.
Thắc thỏm chờ thưởng Tết
Công nhân Công ty CP May Sài Gòn 3 được thưởng Tết năm 2013 bình quân 11 triệu  đến 12 triệu đồng/người
 
Ông Nguyễn Địch Huy, Chủ tịch CĐ cơ sở Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương (quận 10 - TPHCM), cho biết dù tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn bảo đảm lương và thưởng Tết cho gần 800 NLĐ bằng năm ngoái (1,4 tháng lương). Ban giám đốc cũng cam kết sẽ trả lương, thưởng đúng thời gian quy định. Công ty Viễn thông A (quận 10 - TPHCM) cũng có mức thưởng bằng năm trước cho hơn 1.400 lao động: Ngoài tháng lương 13 (lương thực lãnh 3,2-3,5 triệu đồng/tháng), mỗi lao động sẽ được thưởng thêm từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/người.
Đa số người lao động thuộc các KCX-KCN TPHCM dự kiến đều được thưởng Tết.
Đa số người lao động thuộc các KCX-KCN TPHCM dự kiến đều được thưởng Tết.

“Mặc dù lợi nhuận không bằng năm ngoái nhưng CĐ và công ty vẫn cố gắng giữ mức lương, thưởng như năm trước để NLĐ có điều kiện ăn Tết, yên tâm làm việc. Theo đó, mức thưởng thấp nhất  3 triệu đồng, cao nhất  8 triệu đồng/người” - bà Nguyễn Thị Phương Mai, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Sản xuất nhựa Phát Thành
(quận 11 - TPHCM), cho biết. Thưởng bằng năm rồi là tình hình chung tại nhiều DN ở TPHCM.

Lương không có, nói chi đến thưởng!

Những năm trước, các ngành tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán thường có mức lương, thưởng rất “khủng”, từ vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng mỗi người. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay sẽ rất khó tìm được DN có mức thưởng
như vậy.

Chủ tịch CĐ một công ty xây dựng tại khu vực Mỹ Đình - Hà Nội cho biết công ty của bà có gần 2.000 lao động, làm việc ở nhiều công ty con và các chi nhánh trực thuộc. Đến thời điểm này, công ty mẹ mới trả được lương đến tháng 5, còn ở các chi nhánh mới trả được lương tháng 3, tháng 4 cho nhân viên. Hỏi về việc thưởng Tết, bà bộc bạch: “Hết năm đến nơi rồi, tình hình rất căng thẳng, lãnh đạo đang cố gắng lên kế hoạch, làm sao từ nay đến Tết âm lịch trả được hết lương tháng 9 cho nhân viên nhưng không biết có thực hiện được hay không. Còn thưởng Tết thì quả thực chưa thể tính được vào lúc này”.

Chị Giang, nhân viên một công ty con trực thuộc Tổng Công ty Sông Đà, cho biết đến giờ, chị mới nhận được lương tháng 3. Nói về thưởng Tết, chị Giang rầu rĩ: “Thật tình, chẳng dám mơ đến thưởng Tết, chỉ mong công ty trả được lương đến tháng 12 là mừng lắm rồi”. Chị Thắm, công nhân một công ty xây dựng đang thi công tại Thủy điện Lai Châu, cho biết cũng mới được lĩnh lương tháng 4. Những ngày không có việc, vợ chồng chị phải đi ra ngoài xin làm phụ hồ để lấy tiền đắp đổi qua ngày.

Ông Nguyễn Văn Bình,  Chủ tịch CĐ ngành xây dựng Việt Nam, cho rằng năm nay cực kỳ khó khăn đối với ngành xây dựng. CĐ ngành đang ráo riết chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lên kế hoạch chăm lo Tết cho NLĐ, trong đó đề nghị các DN phải khắc phục khó khăn, ưu tiên số 1 là bảo đảm việc làm và thanh toán tiền lương còn nợ cho NLĐ. “Vào thời điểm này, không ít NLĐ đang “nín thở” chờ lương, mong sao DN trả hết nợ lương cho mình vào dịp cuối năm chứ chẳng trông mong gì vào tiền thưởng Tết” - chủ tịch CĐ một DN may mặc ở Hà Nội than thở.
ÔNG TRẦN THANH HẢI, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC LĐLĐ TPHCM:
Sớm công bố lương, thưởng Tết cho người lao động
 
Các CĐ cơ sở phải chủ động tham gia với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch trả lương, thưởng Tết và sớm công bố cho NLĐ biết để họ an tâm làm việc. Các CĐ cấp trên phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát việc trả lương, thưởng tại các đơn vị gặp khó khăn; phối hợp với các ngành chức năng chốt danh sách NLĐ bị nợ lương, bảo quản tài sản khi chủ DN bỏ trốn.

Theo NLĐ