Tết xong, giảm phát trong cả nước!

(Dân trí) - Lương thực, thực phẩm giảm giá và nhóm thuốc, dịch vụ y tế hạ nhiệt đã kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng này xuống mức âm. Đây là điều kiện để hạ lãi suất, song khả năng điều chỉnh giá điện, xăng dầu tăng là rất lớn.

Giá lương thực thực phẩm giảm trong tháng đã kéo chỉ số giá chung xuống mức âm.
Giá lương thực thực phẩm giảm trong tháng đã kéo chỉ số giá chung xuống mức âm.

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 03/2013 cả nước.

Theo đó, tháng sau Tết, CPI cả nước đã giảm 0,21%, ghi nhận tháng giảm phát đầu tiên trong năm 2013.

Trong số 11 nhóm hàng của rổ tính giá, có tới 4 nhóm hàng giảm giá so tháng trước đó.

Nhóm có tỷ trọng lớn nhất của rổ tính là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm gần 40% rổ tính giá) giảm 0,57%. Đây cũng chính là nguyên nhân kéo chỉ số giá tháng này xuống mức âm.

Giá lương thực, thực phẩm đều giảm mạnh, lương thực giảm 0,7% và thực phẩm giảm 1% so tháng trước; trong khi chỉ số giá ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ 0,42%.

Nhóm thứ hai có chỉ số giá giảm tháng này là đồ uống và thuốc lá, giảm 0,21%. Giao thông giảm 0,27% và nhóm có truyền thống luôn hạ giá là bưu chính viễn thông, giảm 0,03%.

Nhìn vào báo cáo số liệu của Tổng cục Thống kê, rất khó thấy có nhóm nào tăng giá đáng kể, mức tăng tại tất cả các mặt hàng đều không tới 0,5%.

Người ta vẫn lo ngại về chỉ số giá của nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Đây là nguyên nhân thổi bùng ngọn lửa lạm phát trong thời gian vừa qua, thế nhưng tháng này mức tăng lại rất thấp 0,09%, trong đó chỉ số giá dịch vụ y tế cũng chỉ tăng 0,02%.

Tuy nhiên, nếu so với cuối năm ngoái, thì giá cả ở khu vực y tế vẫn đáng ngại nhất, khi đã tăng 7,53% (dịch vụ y tế tăng 9,52%). Mức tăng 42,73% so cùng kỳ và 59,9% tại dịch vụ y tế vẫn sẽ khiến nhiều người phải choáng váng.

May mặc, mũ nón và giầy dép “sốt giá” khá vô lý vào tháng trước thì đến nay lại giảm nhiệt, tăng chỉ 0,13%, so với cuối năm ngoái tăng 2,32%.

Các nhóm hàng khác như nhà ở và vật liệu xây dựng (bao gồm tiền thuê nhà, điện, nước, chất đốt…); văn hóa, giải trí và du lịch; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác tăng nhẹ.

Như vậy, tính đến thời điểm này, nhờ có giảm phát vào tháng 3 nên so với cuối năm ngoái, CPI cả nước mới chỉ tăng 2,14%. Mục tiêu cả năm, CPI dưới 6,8%.

Nằm ngoài rổ tính giá CPI, tháng này, cả nước chứng kiến giá vàng giảm mạnh, mất 2,73% so tháng trước trong khi biên độ mất giá của USD là 0,45%. Duy nhất TPHCM có chỉ số giá USD tăng 1,2% so với tháng trước.

Giảm phát là điều kiện thuận lợi, tạo khoảng không chính sách để giảm lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng (vẫn đảm bảo được lãi suất thực dương cho người gửi tiền). Qua đó, hạ lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn.

Tuy nhiên, cùng với đó, khả năng tăng giá điện và giá xăng dầu sẽ rất cao, khi ngành điện đang kêu khó vì khô hạn cũng như quỹ bình ổn giá xăng dầu được cho là đang rất mỏng.

Bích Diệp