Tết này, giá thịt lợn có "nhảy múa"?

Nhiều nhận định cho thấy, giá lợn hơi sẽ bật lên tới 90.000 đồng/kg trong những ngày cận Tết Nguyên đán.

Sau một thời gian giữ giá ổn định quanh mức 70.000 đồng/kg, những ngày gần đây, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc tăng từng ngày, có nơi vượt 80.000 đồng/kg.

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định sẽ đảm bảo nguồn cung và giá lợn hơi sẽ khó cao hơn mức 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho thấy, giá lợn hơi sẽ bật lên tới 90.000 đồng/kg trong những ngày cận Tết Nguyên đán.

Tết này, giá thịt lợn có nhảy múa? - 1

Thịt lợn đông lạnh không thực sự hút khách

Giá tăng từng ngày

Theo khảo sát của PV ngày 28/12, lợn hơi tại Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hải Dương… bán với giá 78.000 đồng - 82.000 đồng/kg, tăng bình quân 3.000 đồng - 6.000 đồng/kg so với tuần trước đó. Theo chiều hướng tăng, giá thu mua lợn hơi tại các tỉnh miền Nam lên khoảng 71.000 đồng - 75.000 đồng/kg.  

Tại nhiều chợ dân sinh khu vực Hà Nội, như: Chợ Hôm, chợ Phùng Khoang, chợ Thái Hà, chợ Nam Đồng… giá thịt tới tay người tiêu dùng bắt đầu có những điều chỉnh nhẹ, một số quầy tăng 5.000 đồng - 10.000 đồng/kg so với mặt bằng chung. Nhiều tiểu thương cho biết, vẫn giữ nguyên giá suốt 2 tháng gần đây và phải cân đối lãi để giữ khách. Hiện, thịt lợn bán tại chợ phổ biến quanh mức 160.000 đồng - 170.000 đồng/kg.

Bày tỏ lo lắng trước đà tăng mới của thịt lợn, một số tiểu thương cho biết, sẽ không thể trụ tiếp giá cũ nếu lợn hơi còn "leo thang". "Chưa rõ lý do gì khiến gần Tết lợn lại tăng giá. Nhưng tăng giá sẽ khó bán. Sắp Tết, nhiều khoản phải chi tiêu, năm nay khó khăn, ai mua gì cũng cân nhắc", chị Hoa, tiểu thương chợ Nam Đồng (Hà Nội) cho hay.

Giá lợn tăng nhưng thịt thành phẩm ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm chưa xuất hiện điều chỉnh so với tuần trước. Nhiều nơi vẫn khuyến mại cho thịt lợn đông lạnh nhập khẩu, rẻ hơn tới 50.000 đồng - 70.000 đồng/kg so với thịt trong nước. Tuy nhiên thịt đông lạnh vẫn không thực sự hút khách.

"Chúng ta điều hành theo cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Không thể chỉ dùng mệnh lệnh hành chính mà phải giải quyết bài toán cung cầu, tổ chức lại thị trường. Phải "xắn quần" cùng làm với bà con. Dừng tình trạng chuỗi sản xuất không cầm trịch được giá, thao túng giá khiến người tiêu dùng bị móc túi, người chăn nuôi thiệt thòi", ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long với tổng đàn khoảng 5.000 con ở Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, việc tăng, giảm giá là do quan hệ cung cầu. Giá thịt lợn hơi gần đây tăng một phần do nguồn cung bị thiếu hụt, chứ không ai găm, đẩy hàng cả.

"Thời gian gần đây, do dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện một số địa phương. Nhiều chủ trang trại lo ngại nguy cơ dịch quay trở lại nên bán chạy lợn còn nhỏ. Vì thế, thời điểm này, nhất là giai đoạn nhu cầu thịt lợn cho dịp Tết tăng cao, nguồn cung hụt, giá tăng cao là điều dễ hiểu", ông Long phân tích. 

Cũng theo ông Long, nhu cầu tiêu thụ thịt lớn thường dồn vào một số ngày cận Tết, tăng lên khoảng 20-30% so với ngày thường.  

"Hiện tại giá lợn hơi nhiều địa phương miền Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình… đang ở mức 75.000 đồng - 82.000 đồng/kg tùy từng loại và địa phương. Với tình hình này, nhiều khả năng giá thịt lợn hơi những ngày cận Tết có thể vượt ngưỡng 90.000 đồng/kg. Đây là mức khá cao, nhưng vẫn còn thấp hơn so với lúc cao điểm tới 110.000 đồng/kg", ông Long nói.

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đợt tăng giá thịt lợn lần này có nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng của việc dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở nhiều địa phương.

Nhìn lại những lần biến động giá thịt lợn trong năm 2020, ông Phú nhận định: "Giá thịt đến tay người tiêu dùng đang phải gánh quá nhiều chi phí trung gian, bán lẻ, thương lái, lò mổ, chiết khấu. Tháng 10-11 vừa qua, giá lợn hơi xuống còn 67.000 đồng - 70.000 đồng/kg, giảm 30% so với đợt cao điểm 6 tháng đầu năm nhưng thịt bán lẻ chỉ giảm 3-5% là quá vô lý".

Theo đại diện Tập đoàn Masan, về nguồn cung thịt trong dịp Tết sắp tới, Tập đoàn đã có kế hoạch tăng cường công suất với 2 tổ hợp chế biến thịt mát ở Hà Nam và Long An. Dự kiến sản lượng dịp Tết của Masan sẽ tăng gấp 10 lần so với sản lượng sản xuất thông thường, do có những dòng sản phẩm mới. Trong đó, thịt tươi gần 1.600 tấn, thịt chế biến 280 tấn (giò chả 80 tấn, xúc xích 200 tấn).

Ngoài ra, trong dịp Tết, Masan cũng cho ra nhiều sản phẩm chế biến từ thịt như giò lụa lá chuối thượng hạng, giò lụa nhất phẩm, giò thủ, chả chiên, chả bì ớt xiêm xanh… Tập đoàn này cũng áp dụng ưu đãi, giảm 10% tại kênh siêu thị và hệ thống phân phối của MEATDeli, nhất là tại hơn 1.700 điểm bán, bao gồm hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+, siêu thị CoopMart, Big C, các cửa hàng MEATDeli và các đại lý…

Tết này có thiếu thịt?

Theo ông Vũ Vinh Phú, thịt lợn là thực phẩm tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là trong dịp Tết. Với đà tăng hiện nay, ông Phú dự đoán, giá lợn hơi có thể lên trên 80.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề trong năm 2019. Tuy nhiên, hơn một năm qua, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch và khôi phục được gần 88%, tương đương tổng đàn trên 26 triệu con lợn.

Theo ông Dương, hiện tại các doanh nghiệp đều cho kết quả tái đàn và mở rộng quy mô đàn lợn rất cao. "Với tốc độ tái đàn như hiện nay và tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt, tôi cho rằng, nguồn cung thịt lợn trong dịp tết Tân Sửu 2021 sẽ không thiếu", ông Dương khẳng định đồng thời cho biết, cùng với lượng thịt nhập khẩu từ nước ngoài, nguồn cung đảm bảo, giá cả sẽ không tăng đột biến như năm ngoái. Nếu có tăng, có thể sẽ không quá 80.000 đồng/kg hơi.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi cùng với chống dịch và tái đàn lợn, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tăng đàn gia cầm, đàn gia súc ăn cỏ.        

Lên phương án nhập thịt từ nước ngoài

Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, bộ này đã có văn bản yêu cầu sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở NN&PTNT cùng và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình thời tiết, sản xuất, diễn biến dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi.

Cùng đó, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác để chủ động phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Trong trường hợp cần thiết, cần có phương án nhập khẩu thịt gia súc từ nước ngoài để bình ổn thị trường.