Tết dương thực phẩm tăng giá đón Tết âm
Như một căn bệnh kinh niên, cứ đến cuối năm là nhiều mặt hàng lại tăng giá, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Mặc dù đã đi chợ Tết sớm cả tháng nhưng nhiều bà nội trợ cũng không chống đỡ nổi khi giá cả thị trường ngày một leo thang.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Chị Thanh Hương, ở đường Lạc Long Quân, quận 11, cho biết: “Lo ngại về các vấn đề an toàn thực phẩm nên năm nay đành phải tự tay chuẩn bị đa số các loại thực phẩm cho ngày Tết. Lường trước được giá cả cận Tết sẽ tăng nên năm nay chị chuẩn bị khá sớm, tuy nhiên giá giá đã đội lên khá nhiều so với 1-2 tuần trước. Mặc dù đã đi tận chợ đầu mối để mua thực phẩm nhưng giá ở đây tăng lên từng ngày”.
Thực tế, giá bán sản phẩm và hàng hóa hiện nay chênh lệch lớn là do người bán hàng. Nhiều tiểu thương còn cố đưa ra giá trên trời để khách hàng mặc cả dần xuống là vừa.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý lại chưa thể hiện rõ vai trò cũng như trách nhiệm của mình trong việc ổn định thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá bán sản phẩm, hàng hóa “loạn” như hiện nay.
Chị Thu - tiểu thương bán thịt heo ở chợ Bình Điền, cho hay: “Hiện nguồn cung thịt heo trên thị trường rất ít, các hộ chăn nuôi không chịu bán ra mà găm hàng đợi Tết, vì thế, giá thịt heo bị đẩy lên rất nhiều. Hiện sức mua đã bắt đầu nhích lên, nhưng muốn đặt hàng ở các lò mổ, hay các trang trại chăn nuôi vẫn rất khó vì theo họ vẫn chưa đến thời điểm xuất hàng”.
Anh Hùng, chủ một trang trại nuôi heo tại Củ Chi, rất bình thản chờ tới ngày được giá để xuất chuồng đàn heo của mình. Cụ thể, gia đình anh có nuôi một đàn heo gần 100 con đã tới thời kỳ xuất chuồng. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, anh chưa có ý định bán ra mà đợi đến gần Tết, giá cao, bán ra thị trường mới thu được lãi nhiều.
Không chỉ có mặt hàng thịt heo tăng giá, mặt hàng hoa quả cũng chạy đua tăng giá đến chóng mặt. Giá chuối tăng đến 50%, giá bưởi tăng 10-20% so với giai đoạn cuối tháng 11 vừa qua. Các mặt hàng hoa quả khác cũng tăng giá đồng loạt gây tâm lý ngại mua sắm cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới đây. Dọc theo các khu chợ Bà Chiểu, chợ Thủ Đức cho thấy, giá hầu hết các loại hàng thực phẩm đều tăng mạnh, các mặt hàng tăng dao động từ 7.000 đến 20.000 đồng/ký, tùy loại so với tháng 11 và những tháng trước đó.
Bà Lê Thị Loan, tiểu thương ở chợ Bà Chiểu, cho hay: “Buôn bán tại chợ muốn giữ giá bình thường cũng khó bởi hàng hóa cứ tới thời điểm này là thấy khó nhập số lượng lớn. Các đầu mối cũng chưa cung cấp hàng cũng chờ thời điểm cận tết mới cung cấp hàng để mong được giá. Việc kinh doanh chỉ trông chờ vào dịp Tết người mua mới chịu chi tiền nhiều hơn, như vậy đến Tết giá tăng lên chút đỉnh cũng là chuyện thường”.
Thời điểm cuối năm, người dân tiếp tục đứng trước những cơn “bão giá” khác. Hàng loạt mặt hàng bánh kẹo tăng giá, giá mặt hàng thiết yếu cũng đã cho thấy bước khởi động trong những ngày vừa qua. Rõ nét nhất là “cơn khát” bia của người tiêu dùng chưa có nhưng giá bia đã được tăng lên để đón Tết, đón nhu cầu.
Chị Nguyên Phương, nhân viên ngân hàng ACB (quận 3) nói: “Rút kinh nghiệm năm ngoái, chờ nhận thưởng Tết của cơ quan xong đã là 26 Tết mới đi mua hàng, vừa phải mua đắt vừa phải chen lấn, xếp hàng mệt mỏi, năm nay tôi chủ động rút tiền tiết kiệm sắm Tết sớm. Năm nào cơ quan chức năng cũng khẳng định hàng hóa dự trữ dồi dào, đảm bảo không tăng giá, nhưng thực tế thì năm nào vào những ngày cận Tết giá cả cũng tăng chóng mặt. Năm nay đi sắm Tết hơn một tháng mà giá đã thấy rục rịch tăng lên từng ngày”.
Theo Nam Phong