1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tesco - “Cơn ác mộng” của Wal-Mart

(Dân trí) - Khi Tesco đặt bước chân đầu tiên vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ như Wal-Mart lập tức dõi theo sát sao, và thậm chí không ngần ngại “bắt chước” một số chiến lược của tập đoàn bán lẻ hùng mạnh này.

Tesco - “Cơn ác mộng” của Wal-Mart - 1
Một cửa hàng Fresh & Easy của Tesco tại Mỹ

Tập đoàn bán lẻ Tesco của Anh mới chỉ vào Mỹ từ năm 2007, nhưng đã kịp đặt Wal-Mart, nhà bán lẻ số 1 thế giới, vào thế phòng thủ. Tesco đã châm ngòi cho loạt “đại bác” đầu tiên bằng việc ra mắt Fresh & Easy, chuỗi cửa hàng tiện ích có diện tích mặt bằng 10.000 bộ vuông, tương đương 3.000m2 tại nhiều thành phố ở các tiểu bang California, Nevada, và Arizona vào tháng 11/2007.

11 tháng sau, Wal-Mart “phản pháo”, bằng việc ra mắt chuỗi cửa hàng Marketside, có quy mô tổ chức tương tự Fresh & Easy của Tesco. Đây cũng là mô hình cửa hàng mới đầu tiên của Wal-Mart trong vòng một thập kỷ trở lại đây.

Theo ông Neil Stern, chuyên gia tư vấn bán lẻ của công ty McMillan Doolittle ở Chicago (Mỹ), đó là thông điệp trực tiếp của Wal-Mart với Tesco, ngầm nói rằng: “Này, chúng tôi đang theo sát các bạn. Và chúng tôi sẽ không chỉ làm giống các bạn, mà còn làm tốt hơn”.

Wal-Mart có lý do để lo lắng. Tại quê hương Anh quốc, từ lâu Tesco đã vượt chuỗi cửa hàng giảm giá Asda của Wal-Mart. Tập đoàn bán lẻ Anh này hiện nắm giữ 34% thị phần, gần gấp đôi Asda. Mặc dù doanh số tại Anh chỉ tăng 2%, mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua, nhưng Tesco vẫn thông báo tốc độ tăng trưởng doanh thu toàn cầu 28%. Các nhà phân tích của Citigroup dự đoán doanh số cả năm tài chính 2008 của Tesco, tính đến hết ngày 28/2/2009, sẽ tăng 13,6% lên 82 tỷ USD.

Thế mạnh: Hệ thống quản lý dữ liệu

Một báo cáo mới đây của Institute of Grocery Distribution, một tập đoàn phân phối thực phẩm của Anh, đã dự đoán Tesco sẽ tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ trung bình 11%/năm từ nay tới năm 2012, đủ để họ vượt tập đoàn Carrefour của Pháp, trở thành nhà bán lẻ lớn thứ hai thế giới vào năm 2012.

Giới phân tích cho rằng lợi thế lớn của Tesco so với các đối thủ cạnh tranh lớn trên thị trường quốc tế, trong đó có cả tập đoàn Aldi & Lidl của Đức, là năng lực quản lý và kiểm soát hệ thống thông tin dữ liệu về hàng hoá để phục vụ việc bán hàng. Khả năng quản lý tốt dữ liệu đem đến cho Tesco hai lợi thế lớn: khả năng vận hành nhiều loại hình cửa hàng khác nhau - từ các cửa hàng tiện ích nhỏ đến mô hình đại siêu thị; và sự hiểu biết và nắm bắt thị trường tốt để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. 

Tesco - “Cơn ác mộng” của Wal-Mart - 2
Một cửa hàng Tesco Expess tại Tokyo (Nhật Bản)

Tesco sử dụng thông tin do hãng thu thập dữ liệu Dunnhumby của Anh cung cấp, để giám sát mọi lĩnh vực của hoạt động kinh doanh, từ việc thiết kế mô hình cửa hàng mới; đến bố trí, sắp xếp cửa hàng; phát triển các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng và thực hiện các chương trình quảng cáo, khuyến mại. Tesco cũng nắm quyền kiểm soát chính đối với Dunnhumby. Năm 2003, hệ thống siêu thị Kroger của Mỹ đã bắt chước Tesco, xây dựng quan hệ hợp tác với Dunnhumby tại Mỹ. Và từ đó đến nay, Dunnhumby cũng ký nhiều hợp đồng cung cấp dữ liệu cho một số nhà bán lẻ khác của Mỹ, như Home Depot, Best Buy, và Macy's.

Mô hình kinh doanh đa dạng, có nhãn hiệu riêng

Nắm rõ nhu cầu của khách hàng là chìa khoá thành công của Tesco trong việc quản lý nhiều mô hình cửa hàng khác nhau, một kỹ năng mà giới phân tích cho rằng không có nhà bán lẻ Mỹ nào sánh được.

Tesco - hiện là nhà bán lẻ lớn thứ ba thế giới - đang vận hành 3.956 cửa hàng, dưới 5 mô hình, tại 13 nước. Loại cửa hàng quy mô nhỏ nhất là “Express”, cũng là mô hình cho hệ thống cửa hàng Fresh & Easy ở Mỹ, tập trung kinh doanh các loại nông sản tươi và thực phẩm chế biến sẵn dán nhãn Tesco. Quy mô lớn hơn một chút là kiểu cửa hàng “Metro” và lớn nhất là hệ thống cửa hàng “Tesco Extra” với diện tích 60.000 bộ vuông, tương đương hơn 18.000m2, không chỉ kinh doanh thực phẩm, mà cả đồ điện tử, quần áo và đồ gia dụng.

Mới nhất, Tesco đã khai trương chuỗi cửa hàng Homeplus, kinh doanh mọi mặt hàng, trừ thực phẩm. 

Tesco - “Cơn ác mộng” của Wal-Mart - 3
Các sản phẩm mang nhãn hiệu Tesco tại một cửa hàng Tesco Express ở Tokyo (Nhật Bản) 

Vài năm trở lại đây, một số nhà bán lẻ của Mỹ đã cố gắng bắt chước chiến lược của Tesco. Ví dụ, ngoài hệ thống cửa hàng tạp phẩm truyền thống, công ty Publix Super Markets còn mở các cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ mang tên Greenwise và chuỗi cửa hàng Sabor nhằm vào cộng đồng người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Thế mạnh khác của Tesco chính là các sản phẩm gắn nhãn riêng. Trong khi các nhà bán lẻ của Mỹ còn đang phải cố gắng thuyết phục khách hàng rằng các nhãn hiệu riêng của họ cũng tốt không kém gì các tên tuổi lớn, thì các sản phẩm dán nhãn Tesco đã “ung dung” chiếm lĩnh tới 60% doanh số ở nhiều nước.

Các sản phẩm dán nhãn riêng của Tesco cũng chiếm hơn 70% doanh số của hệ thống cửa hàng Fresh & Easy. Trong khi đó, Wal-Mart và Carrefour chỉ có được 35% doanh số từ các sản phẩm dán nhãn riêng. Lý do là Tesco có chủng loại sản phẩm đa dạng, phủ mọi mức giá. Trên thực tế, một số sản phẩm cao cấp của Tesco, như sữa chua hay sôcôla Tesco Finest, còn bán chạy hơn các thương hiệu nổi tiếng như Cadbury và Danone tới 50%.

Thách thức và cơ hội

Dù bước đầu thành công trên thị trường Mỹ, nhưng trước mắt Tesco còn nhiều thách thức. Việc chinh phục thị trường Mỹ không đơn giản như Tesco mường tượng ban đầu, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Họ đã phải giảm tốc độ mở rộng hệ thống cửa hàng Fresh & Easy, chỉ đặt mục tiêu có 200 cửa hàng vào cuối tháng 11 năm nay, giảm 50 cửa hàng và lùi lại 10 tháng so với kế hoạch ban đầu. 

Tesco - “Cơn ác mộng” của Wal-Mart - 4
Mô hình cửa hàng Tesco Extra

Tesco đã đi qua một chặng đường dài, từ những bước khởi đầu khiêm nhường vào năm 1919 tại một khu trung tâm mua sắm ở London, đến nay điều hành hệ thống kinh doanh hàng tạp hoá trực tuyến thành công và lớn nhất thế giới. Tesco cũng là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Anh quốc, với 280.000 nhân công. Lĩnh vực kinh doanh của Tesco tại Anh còn bao gồm cả dịch vụ viễn thông, trạm xăng dầu, tài chính cá nhân, dịch vụ download nhạc, phim trực tuyến,…

Tesco nhận ra rằng có nhiều tiềm năng phát triển một số trong các lĩnh vực kinh doanh trên, đặc biệt là dịch vụ tài chính cá nhân, mà họ hy vọng sẽ mang tới các thị trường mới như Ba Lan. Ông Burt P. Flickinger III, giám đốc doanh nghiệp tư vấn bán lẻ Strategic Resource Group ở New York (Mỹ), cho rằng với quy mô hoạt động rộng lớn như hiện nay, Tesco là cơn ác mộng khủng khiếp nhất của Wal-Mart.

Đặng Lê
Theo Business Week