1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Teo tóp dần: Doanh nghiệp đi bán phở, bán thuốc đông y

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thực sự ảm đảm, suy giảm cả về số lượng, chất lượng, quy mô và năng suất. Nhưng lo nhất vẫn là các DN không lớn được - các chuyên gia kinh tế lo lắng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 

* Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản

Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, năm 2014, cả nước có 74.842 DN đăng ký thành lập mới, giảm 2,7% so với năm trước. Trong khi đó, số DN khó khăn phải tạm dừng hoạt động lên tới 58.322, tăng 14,5% so với năm trước. Chưa kể, hơn 9.500 DN khác chính thức hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động.

Doanh nghiệp bất an

Đánh giá về tình hình hoạt động của các DN năm 2014, các ý kiến cho rằng vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, nhất là khi cầu nội địa giảm và khó tiếp cận vốn vay.

Tính chung cả năm ngoái, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.945 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2013. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm nay tăng 6,3%; cao hơn mức tăng 5,5% của năm 2013, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh điểm 2010 lên đến 15%/năm. Trong khi đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/12/2014 tăng 10% so với cùng thời điểm năm 2013. Tồn kho vẫn cao và tiêu thụ tăng thấp đã khiến cho phần lớn các DN chưa thể thoát khỏi khó khăn.

Đại bộ phận doanh nghiệp trong nước, nhất là công ty tư nhân, chủ yếu hoạt động trên thị trường nội địa, do vậy, giảm cầu nội địa đã tác động đến hầu hết các DN này. Nhiều DN khi được hỏi cho biết, trong năm 2014, để trụ vững đã phải cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, cắt giảm lao động và quy mô sản xuất.

Hiệp hội Cao su - Nhựa TP.HCM cho biết, có tới 90% trong số 300 hội viên là DN vừa và nhỏ. Kinh tế khó khăn kéo dài khiến nhiều DN teo tóp. Thanh khoản trên thị trường nội địa quá kém, DN không thể đầu tư phát triển. Nhiều đơn vị phải bán bớt máy móc, đóng cửa một phần nhà xưởng. Một số DN bao bì nhựa thua lỗ đã phải bỏ nghề, chuyển sang bán phở, bán thuốc đông y...

Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai tháng 11 và 12/2014 liên tiếp giảm, lại càng làm tăng nỗi lo lắng cho các DN. Lẽ ra, chỉ số này thường tăng cao vào thời điểm cận Tết. Trong khi, giảm cầu cũng khiến CPI giảm nên các DN càng bất an. Họ lo ngại Tết năm nay lại có nguy cơ rơi vào tình trạng tăng tồn kho, hàng bán chậm, kéo theo hàng loạt vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Năm qua, rào cản phổ biến được DN nhắc đến hàng ngày là việc tiếp cận vốn. Hiện cả nước có khoảng 500.000 DN nhỏ và vừa, chiếm 97,5% tổng số DN đang hoạt động. Tuy nhiên, theo khảo sát gần đây của Viện khoa học quản trị DN nhỏ và vừa Việt Nam, chỉ 32,4% số DN cho biết có khả năng tiếp cận và được vay vốn thường xuyên; hơn 35% phản ánh là khó, số còn lại không thể tiếp cận nổi.

Lý do, theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, là bởi tình trạng nợ xấu, nợ thuế nhiều, tồn kho dẫn đến không có khả năng trả nợ. Chưa kể, có nguyên nhân nguồn vốn chưa được khơi thông.

Công nghiệp ô tô chưa thể phát triển nếu không có công nghiệp hỗ trợ
Công nghiệp ô tô chưa thể phát triển nếu không có công nghiệp hỗ trợ

Nguy cơ ngày càng teo nhỏ

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, sự sụt giảm khá mạnh mẽ của DN quy mô vừa và lớn trong vòng 5 năm trở lại đây đang đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế của những DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với tỷ lệ xấp xỉ 96%. Trong số này, điều đáng quan tâm là DN siêu nhỏ, những DN có dưới 10 lao động, chiếm đa số (tới gần 67%).

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, nhận xét, tình hình DN nhỏ và vừa Việt Nam thực sự ảm đạm, suy giảm cả về số lượng, chất lượng, quy mô và năng suất. Nhưng lo nhất vẫn là DN không lớn được, vì họ gặp phải những vấn đề nền tảng lớn chưa thể tháo gỡ.

Các cuộc điều tra gần đây đều chứng tỏ số những DN có cải tiến công nghệ, đưa ra sản phẩm mới ít đi so với trước. Trong khi đó, kỳ vọng có thể gia nhập "cuộc chơi" chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn rất mong manh.

Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki, cho biết, để phát triển công nghiệp hỗ trợ thì phải dựa vào các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, với quy mô bình quân DN nhỏ và vừa Việt Nam khoảng 10 tỷ đồng, số lao động 10 người như hiện nay thì không thể làm được. Trong ngành ô tô, để sản xuất bộ phanh, DN cũng phải đầu tư hơn 100 tỷ đồng - số vốn quá lớn, rất ít DN đáp ứng được. Muốn sản xuất linh kiện ô tô cung cấp cho các DN lắp ráp, hoặc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì phải có máy móc hiện đại, công nghệ cao ngay từ đầu, ông Huyên nói.

Những nghiên cứu liên quan đến tái cơ cấu các ngành kinh tế cũng cho thấy, sự tăng trưởng trong ngành công nghiệp nội địa dựa vào số đông các DN quy mô vừa và lớn. Chỉ thông qua đó, sản phẩm cuối cùng mới có giá trị gia tăng cao, công nghiệp và kiến thức chuyên môn được chia sẻ, nền kinh tế mới vươn lên trên các nấc thang chuyển đổi cơ cấu. Với chiều hướng DN ngày càng teo nhỏ, sẽ tạo ra khoảng trống về cầu nối khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nhìn nhận, kinh tế khó khăn khiến lợi nhuận DN cũng giảm sút mạnh, bình quân lợi nhuận trên vốn chỉ ở mức 4%. DN vừa và nhỏ khu vực tư nhân bị tổn thương nhất, trong khi Nhà nước thiếu chính sách đủ mạnh khuyến khích họ phát triển.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, không có quốc gia nào có thể phát triển nếu dựa hoàn toàn, hoặc ỷ lại vào khu vực DN nước ngoài. Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến kinh tế tư nhân, một khu vực năng động. Họ trông đợi bàn tay hỗ trợ của Nhà nước để có cơ hội tồn tại và phát triển, qua đó, góp phần phục hồi nền kinh tế.
 
Theo Trần Thủy
VEF
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm