1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Gần 68.000 doanh nghiệp "chết" trong năm 2014: "Không đáng lo!"

(Dân trí) - Trong số này có hơn 9.500 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, giải thể hay phá sản của doanh nghiệp giúp cho nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, làm trong sạch môi trường kinh doanh và là cơ sở cho sự phát triển bền vững

Họp báo Tổng cục Thống kê cuối năm (ảnh: BD)
Họp báo Tổng cục Thống kê cuối năm (ảnh: BD)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Theo số liệu mởi nhất vừa được ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê công bố tại phiên họp báo cuối năm diễn ra chiều 27/12, trong năm 2014, cả nước có tổng cộng 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 432.200 tỷ đồng, tuy giảm 2,7% về số lượng nhưng lại tăng 8,4% về số vốn so với năm trước đó.
 
Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2013. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm qua đạt gần 1,1 triệu người, tăng 2,8% so với năm trước.
 
Cũng trong năm nay, cả nước có 15.419 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2013.
 
Ở chiều ngược lại, cả năm có tới 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số thuế doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Trong số này bao gồm 9.501 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể, phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng; 58.322 doanh nghiệp khó khăn phải ngừng hoạt động, tăng 14,5% so với năm trước.
 
Có 11.723 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 46.599 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, nếu so sánh với các nước trên thế giới thì con số doanh nghiệp rút khỏi nền kinh tế ở Việt Nam là không đáng lo ngại.

Cụ thể, theo số liệu của cơ quan Thống kê Vương quốc Anh, năm 2012 nước này có 270.000 doanh nghiệp mới thành lập và 255.000 doanh nghiệp rút khỏi nền kinh tế; tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 3 năm hoạt động là 70%; tại Mỹ tỷ lệ tồn tại sau 5 năm hoạt động là 50%.

Theo số liệu của Chính phủ New Zealand trong 4 năm liên tiếp  (2010-2013), số doanh nghiệp rút khỏi nền kinh tế lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới.

Ngoài ra, số liệu thống kê của Ủy ban Châu Âu cũng cho thấy tốc độ gia tăng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp giải thể là tương đương. Năm 2009, tổng số doanh nghiệp rút khỏi nền kinh tế của 26 nước trong khu vực này vượt quá số lượng doanh nghiệp thành lập mới; tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 5 năm là 46%.

Trong khi đó ở Việt Nam, với khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong tổng số 830.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập thì tỷ lệ tồn tại là trên 60%.

“Có thể thấy, việc sàng lọc, đào thải là một quy luật của nền kinh tế thị trường. Theo quy luật này, những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những doanh nghiệp mới với ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng hơn. Ở góc độ nào đó giải thể hay phá sản của doanh nghiệp giúp cho nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, làm trong sạch môi trường kinh doanh và là cơ sở cho sự phát triển bền vững” – ông Lâm cho hay.

Trong năm 2014, có 22.800 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 595.700 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2014 là hơn 1 triệu tỷ đồng (1.027.900 tỷ đồng), bao gồm 595.700 tỷ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 432.200 tỷ đồng của doanh nghiệp thay đổi tăng vốn. 

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, có những ngành có xu hướng tốt lên khi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng và số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động giảm so với năm 2013 là lĩnh vực hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình và các hoạt động dịch vụ khác. Một số ngành, lĩnh vực khác vẫn trong quá trình tái cơ cấu khi có sự tăng về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng số doanh nghiệp khó khăn, buộc phải giải thể, tạm ngừng hoạt động cũng có xu hướng tăng như ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; kinh doanh bất động sản.
 
Bích Diệp
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm