Techcombank "chào sàn" 128.000 đồng/cổ phần: Mức giá quá cao?

(Dân trí) - Ngày 4/6 tới, 1.165.530.720 cổ phần TCB sẽ "chào sàn" HoSE với mức giá tham chiếu 128.000 đồng/cổ phần. Trước đó, hơn 164 triệu cổ phiếu phổ thông của ngân hàng này đã được bán thành công cho các quỹ đầu tư trên thế giới, với giá trị thị trường đạt 6,5 tỷ USD.

Sáng nay 23/5, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chính thức nhận được chấp thuận của Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh về việc niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (H0SE) với mã cổ phiếu là TCB, và phiên giao dịch đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 4/6 tới.

Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết là 1.165.530.720 cổ phần với giá niêm yết tham chiếu tại ngày giao dịch đầu tiên là 128.000 đồng/cổ phần. Trước đó, hơn 164 triệu cổ phiếu phổ thông đã được bán thành công cho các quỹ đầu tư trên thế giới, với giá trị thị trường của ngân hàng đạt 6,5 tỷ USD.

Theo tính toán sơ bộ, với giá 128.000 đồng/cổ phần, Techcombank lên sàn sẽ có vốn hóa 149.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 6,5 tỷ USD, cao thứ hai trong số các ngân hàng đã niêm yết, chỉ sau Vietcombank - hiện có vốn hóa hơn 192.000 tỷ đồng.

Còn so với hai ngân hàng BIDV và VietinBank, vốn hóa của Techcombank cao gấp rưỡi.


Ông Nguyễn Lê Quốc Anh – Tổng Giám đốc Techcombank chia sẻ về những thông tin liên quan tới việc cổ phiếu ngân hàng lên sàn HoSE.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh – Tổng Giám đốc Techcombank chia sẻ về những thông tin liên quan tới việc cổ phiếu ngân hàng lên sàn HoSE.

Trả lời câu hỏi của báo giới về mức giá "chào sàn" 128.000 đồng/cổ phiếu có quá cao so với hiện nay hay không, ông Nguyễn Lê Quốc Anh – Tổng Giám đốc Techcombank cho biết: Techcombank hiện là ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam với chỉ số sinh lời/vốn chủ đầu tư và trên vốn chủ sở hữu cao nhất trong khối các ngân hàng thương mại. Techcombak cũng đang theo đuổi mục tiêu tập trung chất lượng tài sản, chất lượng lợi nhận hơn là tăng trưởng về số lượng.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh cho rằng, yếu tố quyết định giá cổ phiếu là giá trị của ngân hàng, Techcombank được định giá 6,5 tỷ USD. Cầu của nhà đầu tư cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, lượng đăng ký mua cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài là trên 4 tỷ USD, rất cao so với số lượng cổ phiếu của Techcombank. Sau niêm yết, ngân hàng sẽ thực hiện chia cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 1/3 thì giá cổ phiếu sẽ quay về vùng giá khoảng 40.000 đồng/cổ phiếu.

Đề cập tới thời điểm lên sàn, Tổng Giám đốc Techcombank nói: “Năm 2018 đánh dấu một năm đầy sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam khi kinh tế đất nước tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Chúng tôi tin rằng đây là thời điểm thích hợp để Techcombank niêm yết, sau gần 2 năm chuẩn bị để đảm bảo việc niêm yết mang lại lợi nhuận tốt nhất cho cổ đông và phù hợp với các quy định của pháp luật”.

Đến cuối năm 2017, tổng tài sản của Techcombank đạt 269.392 tỷ đồng. So với các ngân hàng đang niêm yết/đăng ký giao dịch thì Techcombank thuộc nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản cao.

Techcombank đạt kết quả đột phá về kinh doanh với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 8.036 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2016. Tỷ suất Lợi nhuận sau thuế trên Vốn chủ sở hữu bình quân tăng mạnh và đạt 27,7% - cao nhất trong số các ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Minh - phụ trách mảng Ngân hàng đầu tư kiêm Chủ tịch Công ty Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities) chia sẻ thêm: “Thị trường Việt Nam đang ở thời điểm chuyển mình quan trọng. Techcombank, với nền tảng công nghệ hiện đại, sự quyết liệt trong định hướng lấy khách hàng làm trọng tâm, và cam kết đầu tư phát triển nguồn nhân lực vững mạnh, cùng hệ thống quản trị rủi ro và vận hành xuất sắc, đã xác lập vị thế dẫn đầu tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng vị thế đó sẽ ngày càng được khẳng định và củng cố cùng với sự phát triển của nền kinh tế”.

Cũng tại buổi họp công bố kế hoạch niêm yết sáng nay 23/5, Techcombank đồng thời công bố kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 14/6 tới, nhằm trình Đại hội đồng cổ đông thông qua về phương án bổ sung vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Mục tiêu của đợt tăng vốn này nhằm chia sẻ cổ tức với cổ đông qua việc chia lợi nhuận giữ lại trong 3 năm gần nhất và lợi nhuận từ việc bán cổ phiếu quỹ với mức vốn điều lệ mới là 34.970 nghìn tỷ đồng. Cổ đông sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu tương đương với tỷ lệ 1:2 (với mỗi cổ phiếu hiện tại sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới).

Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết thêm: “Phương án tăng vốn điều lệ này nhằm mục đích chuyển đổi nguồn vốn chủ sở hữu thành vốn điều lệ để tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh, đáp ứng tốt các chỉ tiêu an toàn hoạt động, nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng; đồng thời, giúp Techcombank tiếp tục phát triển ổn định. Giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ chia tương ứng. Tổng giá trị ngân hàng không thay đổi. Chúng tôi tin rằng Techcombank đang tiếp tục phát triển đúng hướng theo kế hoạch đã đề ra để đạt được cả mục tiêu chiến lược ngắn hạn và dài hạn của mình”.

An Hạ

Techcombank "chào sàn" 128.000 đồng/cổ phần: Mức giá quá cao? - 2