TS Vũ Minh Khương:

Tàu gặp bão trên biển, nếu chỉ đo tốc độ đi nhanh, đi chậm thì không chuẩn

Ninh An

(Dân trí) - Tiến sĩ Vũ Minh Khương đánh giá Việt Nam đang đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới.

Việt Nam đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược"

Chia sẻ tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam vượt những "cơn gió ngược", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh Việt Nam đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay.

Điều này có được là nhờ cách chỉ đạo điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế trong nước.

Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%. Trong đó, quý III GDP đạt 5,33%, bù cho kết quả các quý trước. Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng GDP khá cao so với các nước khác.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao công tác điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong 9 tháng đầu năm. Sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, điều hành tỉ giá phù hợp, đảm bảo tính thanh khoản của toàn hệ thống.

Thứ hai, Việt Nam cũng vượt qua "cơn gió ngược" về lạm phát. CPI 6 tháng đầu năm khá cao nhưng CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước so với dư địa 4,5% mà Quốc hội cho phép. "Trong những tháng cuối năm, chúng ta hoàn toàn có thể điều hành được", ông Phương cho biết.

Điểm sáng thứ ba là giải ngân đầu tư công. Năm nay là năm có lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay, do đó thách thức về giải ngân vô cùng lớn. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng đạt 51%. Trong rất nhiều năm qua, hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt được trên 50% bởi thường dồn giải ngân vào những tháng cuối năm.

Cuối cùng, điểm nổi bật trong năm nay khi bối cảnh thế giới nhiều biến động thì đất nước đã đạt nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại. Đây là nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá, những kết quả đã đạt được trong thời gian qua chính là nỗ lực và nguồn lực Việt Nam đã bỏ ra để giải quyết những khó khăn, giúp đạt được sự tăng trưởng tích cực.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ và Quốc hội đã thực thi, ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cả về thể chế và tiền.

Ngoài ra, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã đóng góp lớn để giảm bớt khó khăn, ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng.

Tàu gặp bão trên biển, nếu chỉ đo tốc độ đi nhanh, đi chậm thì không chuẩn - 1

Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương đánh giá Việt Nam đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay (Ảnh: Chính phủ).

Khó khăn nhưng chân trời mới đang mở ra

Tiến sĩ Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore, khẳng định, về mặt điều hành vĩ mô, trong bối cảnh có nhiều rủi ro, nền kinh tế mới ở giai đoạn ban đầu, rất nhiều khó khăn nhưng rất vững vàng trong điều hành tỉ giá, lãi suất.

"Hiện giờ cái khó rất lớn của thế giới là tăng trưởng sẽ có ảnh hưởng rất nghiêm trọng", ông Khương bình luận.

Theo ông không phải chỉ vấn đề nhu cầu thế giới suy giảm mà mô hình mở rộng theo kiểu cũ (thêm 1 nhà máy may, thêm 1 nhà máy thép) đã hết. Hiện nay thế giới phải làm sao nâng cấp mô hình tăng trưởng nhưng không thể trong ngày một ngày hai.

Điều thứ ba ông Khương muốn nhấn mạnh là cách điều hành của Chính phủ trong thời gian vừa qua giúp cho tâm thế của các địa phương lên rất mạnh.

"Quyết định làm 218 km tàu điện ngầm, hệ thống đường sắt đô thị trong 12, 15 năm tới. Mọi người ngồi họp ngày đêm, thu thập tri thức của tất cả mọi người, tôi nhận thấy một không khí rất đặc biệt. Thế giới họ làm như thế nào, Trung Quốc làm như thế nào, Hàn Quốc làm như thế nào, Singapore làm như thế nào? Chính phủ ủng hộ tuyệt đối rồi, Bộ Chính trị, Quốc hội ủng hộ rồi, thì tại sao chúng ta không làm được? Bây giờ chỉ cụ thể hóa để quyết", chuyên gia phát biểu.

Ông cũng cho biết đổi mới lần thứ 2 này cũng có cảm giác giống đổi mới lần thứ nhất những năm 1980, khó khăn vô cùng, không biết ngày mai sẽ như thế nào nhưng rõ ràng chân trời mới đang mở ra.

Tàu gặp bão trên biển, nếu chỉ đo tốc độ đi nhanh, đi chậm thì không chuẩn - 2

TS. Vũ Minh Khương cho rằng Việt Nam đang đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển (Ảnh: Chính phủ).

"Trong những bối cảnh tàu gặp bão trên biển, nếu chúng ta chỉ đo tốc độ đi nhanh, đi chậm thì không chuẩn, mà phải đo 3 điểm", tiến sĩ Khương nhấn mạnh.

Thứ nhất, thủy thủ có lòng tin, ý chí tiếp tục hành trình với chúng ta hay không. Ông cho biết các địa phương và các doanh nghiệp đang có sự đồng lòng, đồng hành.

Thứ hai là người thuyền trưởng có nắm được đúng la bàn, hướng gió để dẫn đường không. Ông đánh giá điều này cũng đang rất tốt.

Thứ ba là nỗ lực để nâng cấp năng lực, trình độ của mình.

"Tôi khẳng định Việt Nam đã có những doanh nghiệp tiếp cận dần trình độ trung bình của thế giới, sẽ cất cánh trong thời gian tới và họ có khát vọng như thế", ông Khương nhấn mạnh.

Ông cho biết Việt Nam đang đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới.