DMagazine

Tốc độ tăng trưởng chậm lại, kinh tế Trung Quốc đang "hắt hơi", "sổ mũi"?

(Dân trí) - Với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhu cầu suy yếu và nợ vẫn gần mức kỷ lục, chính quyền của ông Tập có thể phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn trong năm nay.

Xây dựng và doanh số bán nhà sụt giảm. Các doanh nghiệp nhỏ đóng cửa hàng loạt vì chi phí tăng cao, doanh thu yếu. Các chính quyền địa phương nợ nần chồng chất đến mức phải cắt giảm cả lương công chức. Đó là những vấn đề về nền kinh tế Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Kể từ cuối năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng chậm lại một cách rõ rệt khi chính phủ nước này "siết" lĩnh vực bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ, khiến cho các lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng theo. Chính sách Zero-Covid với loạt biện pháp hạn chế đi lại, thậm chí đóng cửa các thành phố, đã ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng. Trong khi đó, các quy định nghiêm ngặt trong mọi lĩnh vực từ các doanh nghiệp internet đến các công ty dạy thêm đã gây ra làn sóng sa thải nhân viên.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý IV/2021 chỉ cao hơn 4% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nền kinh tế nước này đã giảm tốc hơn so với mức tăng 4,9% trong quý III. Tính chung trong năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của nước này vẫn ở mức cao, tăng 8,1% so với năm 2020. Phần lớn sự tăng trưởng này nằm ở những tháng đầu năm.

Có thể thấy trong khi tiêu dùng và bất động sản đi xuống thì xuất khẩu tăng mạnh đã đóng vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc năm qua. Nhu cầu của thế giới đối với hàng điện tử tiêu dùng, đồ nội thất và các tiện nghi gia đình khác trong suốt thời kỳ đại dịch đã giúp nước này đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục. 

Tuy nhiên, động lực chính này đang bắt đầu mờ nhạt. Việc Trung Quốc áp dụng chính sách Zero-Covid trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng đang khiến cho nhiều hạn chế xuất hiện trên khắp đất nước, gia tăng lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng mới.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại, kinh tế Trung Quốc đang hắt hơi, sổ mũi? - 1

Việc Trung Quốc áp dụng chính sách zero-Covid gia tăng lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng mới (Ảnh: AP).

Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại đặt ra tình thế khó xử cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Các biện pháp mà họ đang áp dụng để giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập và kiềm chế các doanh nghiệp là một phần trong kế hoạch dài hạn để bảo vệ nền kinh tế và an ninh quốc gia. Nhưng các quan chức nước này vẫn lo ngại về những biện pháp này sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế trong ngắn hạn, đặc biệt vào tháng tới khi Trung Quốc tổ chức Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhu cầu suy yếu và nợ vẫn gần mức kỷ lục, chính quyền của ông Tập Cận Bình có thể phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn nhất. "Tôi e rằng hoạt động và phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm tới có thể tương đối khó khăn", ông Li Daokui, nhà kinh tế nổi tiếng kiêm cố vấn chính phủ Trung Quốc, nói và cho biết thêm: "Nhìn tổng thể 5 năm, đây có thể là giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi chúng ta cải cách và mở cửa cách đây 40 năm".

Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số, có thể tạo gánh nặng cho nền kinh tế và lực lượng lao động nước này. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm mạnh vào năm ngoái và hiện hầu như không cao hơn so với tỷ lệ chết.

KHU VỰC TƯ NHÂN GẶP KHÓ

Khi giá nhiều nguyên liệu thô tăng cao và đại dịch, người tiêu dùng phải ở nhà, hàng triệu doanh nghiệp tư nhân nước này đã phải đóng cửa, trong đó hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và thuộc hộ gia đình. Đây là mối lo lớn bởi các doanh nghiệp tư nhân là trụ cột cả nền kinh tế Trung Quốc, chiếm 3/5 sản lượng và 4/5 việc làm ở thành thị.

3 năm trước, Kang Shiqing đã đầu tư phần lớn tiền tiết kiệm của mình để mở một cửa hàng bán quần áo nữ ở Nam Bình, một thị trấn ven sông ở tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc. Nhưng khi đại dịch xảy ra vào năm sau đó, số lượng khách hàng đã sụt giảm nghiêm trọng và không bao giờ hồi phục được.

Cũng như ở nhiều quốc gia, ở Trung Quốc đã có sự chuyển hướng sang mua sắm trực tuyến một cách rộng rãi. Điều này khiến nhiều cửa hàng phải cắt giảm lao động và vận hành từ những kho hàng có chi phí rẻ hơn. Ông Kang bị mắc kẹt khi trả tiền thuê cửa hàng cao bất chấp đại dịch xảy ra và cuối cùng chịu không thấu, ông phải đóng cửa cửa hàng hồi tháng 6.

"Chúng tôi có thể khó mà sống sót", ông nói.

Một khó khăn dai dẳng khác đối với các doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc là chi phí vay vốn cao, thường lãi suất ở mức 2 con số từ các tổ chức cho vay tư nhân. Chính vì thế, các nhà lãnh đạo nước này đã cam kết sẽ cắt giảm thuế phí hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn.

Mới đây, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thực hiện cắt giảm lãi suất cho vay chính để giúp các nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất ở nước này giảm nhẹ chi phí lãi vay. Theo đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giảm khoảng 0,1 điểm phần trăm của lãi suất chuẩn cho các khoản vay 1 tuần và 1 năm.

XÂY DỰNG, BẤT ĐỘNG SẢN SUY THOÁI

Bất động sản và xây dựng từng được coi là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khi đóng góp 1/4 GDP của nước này. Lĩnh vực này đã phát triển mạnh mẽ trong 2 thập kỷ qua nhờ vay lãi cao và đầu cơ tràn lan. Tuy nhiên, vào mùa thu vừa qua, lĩnh vực này đã bắt đầu chững lại khi Bắc Kinh mạnh tay dẹp nạn đầu cơ và quyết tâm hạ nhiệt giá nhà vốn đã tăng quá cao khiến nhiều gia đình trẻ không thể mua được.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại, kinh tế Trung Quốc đang hắt hơi, sổ mũi? - 2

Bất động sản và xây dựng, từng được coi là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khi đóng góp 1/4 GDP nước này, đang rơi vào suy thoái (Ảnh: New York Times).

China Evergrande là doanh nghiệp lớn nhất và điển hình nhất trong loạt các nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng gần đây. Ngoài ra còn có những cái tên nổi đình nổi đám khác như Kaisa Group, China Aoyuan Property Group và Fantasia. Những doanh nghiệp này đang phải vật lộn với các khoản trái phiếu đã, đang và sắp đáo hạn. Thậm chí một số nhà phát triển đã rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Khi các công ty bất động sản cố gắng xoay xở tiền mặt để trả nợ cho các khoản trái phiếu đáo hạn thì lẽ dĩ nhiên họ sẽ triển khai ít dự án hơn. Đây là một vấn đề nhức nhối khác đối với nền kinh tế Trung Quốc khi xây dựng sụt giảm kéo theo các lĩnh vực khác đi xuống. Đơn cử như giá thép xây dựng đã giảm trong tháng 10 và tháng 11 trước khi ổn định ở mức rất thấp vào tháng 12.

Ở các thành phố nhỏ, giá nhà giảm mạnh cũng khiến cho giá trị tài sản của nhiều người hao hụt. Do đó, nhiều người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu và hệ lụy là doanh số bán lẻ đi xuống. Ngay cả ở Thượng Hải và Bắc Kinh vốn là những thành phố loại 1 có nhu cầu về nhà ở rất lớn, giá các căn hộ cũng không còn tăng nữa.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại, kinh tế Trung Quốc đang hắt hơi, sổ mũi? - 3

Bất động sản suy thoái, các chủ đầu tư ít triển khai các dự án khiến nhiều lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng theo (Ảnh: Reuters).

Trong những tuần gần đây đã có những dấu hiệu về sự hỗ trợ của chính phủ đối với lĩnh vực bất động sản. Nguồn tin của Bloomberg cho hay, Bắc Kinh đã yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh cho vay đối với các nhà phát triển. Các khoản vay này được sử dụng để mua bán, sáp nhập và không được tính vào chỉ số "ba lằn ranh đỏ". Song theo chuyên gia kinh tế Hu Jinghui, cựu Chủ tịch liên minh đại lý bất động sản, các chính sách có thể nới lỏng nhưng không có nghĩa là sẽ quay lại như lúc đầu.

CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG NỢ NẦN CHỒNG CHẤT 

Sự suy thoái trên thị trường nhà ở đã ảnh hưởng đến nguồn thu của chính quyền địa phương vốn dựa vào việc bán đấu giá đất.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), số tiền từ việc bán đất bằng 7% sản lượng kinh tế hàng năm của nước này. Nhưng trong những tháng gần đây, các chủ đầu tư đã hạn chế mua đất khiến nguồn thu này hao hụt đáng kể.

Thiếu hụt nguồn thu, một số địa phương phải ngừng tuyển dụng và cắt giảm lương thưởng cũng như phúc lợi xã hội của công chức. Điều này đã gây nên những phàn nàn trên mạng xã hội.

Một công chức ở Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, đã than phiền trên mạng rằng lương của cô đã bị cắt giảm 25%. Trong khi đó, tại tỉnh Hắc Long Giang, thành phố Hegang đã thông báo sẽ không tuyển dụng thêm nhân viên trình độ thấp.

Một số chính quyền địa phương cũng đã tăng các loại thuế phí đối với hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp để bù đắp khoản thiếu hụt. Bazhou, một thành phố ở tỉnh Hà Bắc, đã thu được số tiền phạt các doanh nghiệp nhỏ từ tháng 10 đến tháng 12 nhiều gấp 11 lần so với 9 tháng đầu năm ngoái.

XUẤT KHẨU TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG

Trong khi lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng suy thoái, xuất khẩu trở thành động lực đối với nền kinh tế nước này. Nhu cầu hàng hóa Trung Quốc từ các nước tăng mạnh, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng, đã thúc đẩy làn sóng đầu tư vào nhà máy mới. Theo đó, đầu tư xây dựng nhà máy mới ở Trung Quốc năm qua đã tăng 13,5% so với năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại, kinh tế Trung Quốc đang hắt hơi, sổ mũi? - 4

Mặc dù doanh số bán lẻ giảm mạnh nhưng tiêu dùng hàng xa xỉ như ô tô vẫn tăng mạnh (Ảnh: AP).

Một số lĩnh vực chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh, trong đó đáng chú ý là lĩnh vực hàng xa xỉ như ô tô thể thao, đồ trang sức bán chạy. Doanh số bán lẻ đã tăng trở lại ở mức 12,5% so với năm 2020. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ đã bắt đầu suy yếu trong tháng 12 do các hạn chế mới về kiểm soát Covid-19 khiến người tiêu dùng không thể ra khỏi nhà.

Nói với CNBC, bà Mattie Bekink, Giám đốc Trung Quốc tại Economist Intelligence Corporate Network, cho biết từ lâu các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã muốn rời khỏi xuất khẩu như là động lực tăng trưởng chính và hướng tới tiêu dùng nội địa để tăng trưởng kinh tế bền vững. 

"Nhưng đó chắc chắn không phải là những gì đã xảy ra trong đại dịch. Vì vậy, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc chủ yếu vẫn phụ thuộc vào mô hình định hướng xuất khẩu cũ trong bối cảnh tiêu dùng suy yếu", bà nói.

Minh chứng cho nhận định này, bà Bekink cho biết, năm 2020, xuất khẩu ròng đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong tăng trưởng GDP của Trung Quốc kể từ năm 1997, trong khi tiêu dùng thậm chí vẫn chưa phục hồi như trước Covid.

Theo dữ liệu chính thức từ Wind information, bất chấp sự gián đoạn toàn cầu của chuỗi cung ứng trong thời gian đại dịch, thặng dư thương mại của Trung Quốc đã tăng từ mức 523,99 tỷ USD vào năm 2020 lên 676,43 tỷ USD vào năm 2021. Đây là mức cao nhất của số liệu này khi được ghi nhận từ năm 1950.

"Xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng rất quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2022", Zerlina Zeng, nhà phân tích tín dụng cấp cao tại CreditSights, nói với CNBC.

ĐỘNG THÁI CỦA BẮC KINH 

Trong một động thái được coi là đi ngược với các nước phương Tây mới đây, Trung Quốc đã tuyên bố cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản để cứu vãn nền kinh tế. Ngày 20/1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tuyên bố hạ 10 điểm cơ bản (tức 0,1 điểm phần trăm) lãi suất cho vay các kỳ hạn dài 1 năm và 5 năm. Động thái này diễn ra sau khi nước này công bố tăng trưởng quý IV ở mức 4%, thấp hơn so với quý trước đó, cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc rõ rệt.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại, kinh tế Trung Quốc đang hắt hơi, sổ mũi? - 5

Để cứu vãn nền kinh tế, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục bơm thanh khoản và giảm thêm lãi suất (Ảnh: AFP).

Theo MarketWatch, đây là lần thứ 2 ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay trong nhiều tháng qua. Hồi tháng 12 năm ngoái, ngân hàng trung ương nước này đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản đối với khoản vay kỳ hạn 1 năm sau khi lãnh đạo nước này cam kết ưu tiên ổn định tăng trưởng, báo hiệu một chu kỳ nới lỏng tiền tệ. 

Trong phát biểu mới đây, ông Liu Guoqiang, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho biết ngân hàng trung ương nước này sẽ hành động sớm và mạnh mẽ hơn để ổn định nền kinh tế trong năm 2022. 

Theo ông Liu, ngân hàng trung ương sẽ hướng dẫn các tổ chức tài chính mở rộng phát hành tín dụng trong năm nay, đồng thời sử dụng nhiều công cụ để đảm bảo thanh khoản dồi dào cho thị trường.

Trước đó, các nhà lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh đã cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với "áp lực gấp ba" từ nhu cầu yếu, cú sốc cung và kỳ vọng đang yếu đi.

Nhưng theo ông Wang Jun, chuyên gia kinh tế trưởng tại Zhongyuan Bank, vấn đề cốt lõi trong "áp lực gấp ba" này vẫn là nhu cầu suy yếu hay không đủ cầu. Theo ông, nếu nguồn cầu được cải thiện, kỳ vọng cũng sẽ được cải thiện. 

"Tôi không ngạc nhiên khi nền kinh tế còn nhiều bất ổn, Trung Quốc sẽ tiếp tục bổ sung thanh khoản và cắt giảm thêm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế", ông Steve Cochrane, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Moody cho hay.

Các nhà kinh tế cũng kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tăng cường chi tiêu của chính phủ.

Nhìn nhận về triển vọng năm nay, Zhu Ning, Phó Hiệu trưởng Học viện Tài chính cao cấp Thượng Hải cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ gặp nhiều thách thức trong nửa đầu năm nay nhưng sau đó sẽ dần phục hồi trong nửa cuối năm.