Tập đoàn Trung Quốc muốn đầu tư vào Vũng Áng, nhiều chuyên gia đề nghị cân nhắc
Hoan nghênh nhà đầu tư song chuyên gia lưu ý, việc thương thảo giữa hai bên phải đảm bảo hài hòa, hợp lý.
Tập đoàn Cảng Hạ Môn (Trung Quốc) vừa có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, bày tỏ mong muốn mở tuyến container cảng Vũng Áng-cảng Hạ Môn và đầu tư cảng biển tại Vũng Áng.
Trao đổi với Đất Việt, các ý kiến đều bày tỏ hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là đầu tư phát triển logistics.
Theo GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân), nếu Tập đoàn Cảng Hạ Môn vào đầu tư cảng biển và mở tuyến container ở Hà Tĩnh thì các nhà quản lý cần tính toán một cách chặt chẽ, đảm bảo hai bên cùng có lợi.
Ông lưu ý, khu kinh tế Vũng Áng đã có dự án thép Formosa do nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư, nếu các nhà đầu tư Trung Quốc cùng dồn vào một chỗ như vậy thì ngoài khía cạnh kinh tế cần xem xét thận trọng, nhất là khi Vũng Áng là nơi có vị trí chiến lược.
"Nhà đầu tư Trung Quốc phải thấy triển vọng, tiềm năng ở cảng Vũng Áng thì mới tìm đến đầu tư. Nhưng cơ chế thương thảo giữa hai bên phải đảm bảo hài hòa, hợp lý, đừng để xảy ra tình trạng hàng loạt địa phương thu hút đầu tư rồi ai cũng làm cảng biển, vậy việc kiểm soát biên giới biển sẽ như thế nào?
Cho tới nay, hệ thống cảng biển ở Việt Nam nói chung, ở miền Trung nói riêng xảy ra tình trạng nhà đầu tư vào ồ ạt, ai cũng làm cảng, cuối cùng hệ thống cảng biển Việt Nam bị chặt khúc, phân lô chia nền khiến việc quản lý, giám sát trở nên khó khăn. Nhiều cảng đầu tư lớn nhưng khai thác thì rất thấp.
Khi đầu tư, ai cũng muốn có một cảng biển quốc tế, để đưa Việt Nam - quốc gia có lợi thế về biển, trở thành trung tâm logistics nhưng như đã nói, đầu tư theo kiểu phân lô chia nền thì phải dừng lại ngay, nó chặt nát các cảng biển lớn của Việt Nam, đồng thời khiến tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng.
Nhiều dự án cảng biển thu hút hàng loạt nhà đầu tư vào nhưng cảng container thì không có, sân sau của cảng cũng không, vậy làm sao Việt Nam trở thành một trung tâm logistics được", GS.TS Đặng Đình Đào chỉ rõ.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển lưu ý, phải thống nhất quan điểm: không đánh đổi kinh tế với môi trường, an ninh quốc gia. Đây chính là điểm mà phía Việt Nam cần tính toán đầy đủ, toàn diện.
Trong khi đó, TS Lê Văn Bảy, chuyên gia logistics cũng hoan nghênh nhà đầu tư đến đầu tư tuyến vận tải container và logistics tại Việt Nam.
Ông cho biết, Việt Nam nằm ở tuyến giao thông hàng hải thuận lợi giữa bắc và nam châu Á, là điểm đến dễ tiếp cận trong hành trình của các hãng tàu đến khu vực; gần các trung tâm cảng biển hiện đại trên thế giới như Thượng Hải, Hongkong (Trung Quốc), nhưng lại chưa thể xây dựng được đội tàu quốc tế.
"Đội tàu của chúng ta có bao nhiêu? Tình trạng như thế nào sau vụ Vinashin? Chúng ta lực bất tòng tâm, lại đang ôm đống nợ quá lớn do Vinashin để lại nên khó có thể xây dựng được đội tàu quốc tế.
Nhà đầu tư Trung Quốc muốn đầu tư vào Vũng Áng, phát triển tuyến container và logistics tại đây thì rất hoan nghênh, nhưng như vậy có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng hay không?
Về kinh tế có thể mời gọi nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển logistics ở Vũng Áng nhưng quan trọng là phải tăng cường công tác giám sát, phòng ngừa", TS Lê Văn Bảy nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Cảng Hạ Môn (Trung Quốc) ngày 27/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - ông Dương Tất Thắng cho biết, Hà Tĩnh đang tập trung kêu gọi và thu hút các dự án về cảng biển, trung tâm logistics, ngành công nghiệp hậu thép vào khu kinh tế Vũng Áng.
Ngoài ra, ông Thắng cho biết thêm, hiện nay Chính phủ Lào đang cho nghiên cứu khả thi về dự án đường sắt nối Lào - Việt Nam. Tuyến đường sắt mới có chiều dài khoảng 400 km, chạy từ huyện Thakhek (Lào) đến cảng Vũng Áng của Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 2 tỉ USD.
"Tuyến đường sắt này sẽ là cửa ngõ quan trọng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp hợp tác, đầu tư tuyến vận tải hàng hóa từ Lào, Thái Lan đi các nước và chiều ngược lại thông qua cảng biển Vũng Áng", ông Thắng cho hay.
Phía Hà Tĩnh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để để Tập đoàn Cảng Hạ Môn khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, logistics tại Vũng Áng.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu kinh tế Vũng Áng (thành lập vào năm 2007) là trung tâm phát triển công nghiệp luyện thép, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực và của cả nước của khu vực miền Trung và cả nước.
Hiện nay khu kinh tế Vũng Áng đã thu hút 137 dự án đầu tư, trong đó có 80 dự án đầu tư trong nước, 57 dự án đầu tư FDI. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, cầu cảng, nhiệt điện, năng lượng tái tạo, phát triển hậu thép...
Trước đó, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang tìm hiểu khảo sát đầu tư vào Vũng Áng như: Liên doanh giữa Tập đoàn Lee & Man (Hồng Kông) và Hokuetsu (Nhật Bản); Công ty Điện khí Siemens (CHLB Đức); Công ty Wei Yu Engineering (Đài Loan, Trung Quốc)...
Theo Thành Luân
Đất Việt