Tập đoàn tín dụng thế chấp hàng Mỹ đầu bị trưng thu

Ngày 11/7, Văn phòng giám sát tiết kiệm (OTS), một đơn vị thuộc Bộ Tài chính Mỹ, đã ra lệnh trưng thu ngân hàng cho vay tín dụng IndyMac Bank do tập đoàn này không còn đủ năng lực thỏa mãn các điều kiện để tiếp tục hoạt động.

Đây là tổ chức tài chính lớn thứ 2 bị đóng cửa trong lịch sử nước Mỹ, sau ngân hàng Continental Illinois National Bank bị tịch thu tài sản 40 tỷ USD năm 1984. IndyMac Bank là ngân hàng thứ 5 của Mỹ bị sụp đổ trong năm 2008 do cuộc khủng hoảng nợ xấu và tín dụng nhà đất.

Tính đến ngày 31/3/2008, tổng giá trị tài sản của IndyMac Bank là 32,01 tỷ USD, trong đó có 19,06 tỷ USD là tiền tiết kiệm của khách hàng.

Quyết định của OTS được đưa ra sau khi Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ bang New York Charles Schumer ngày 26/6 công bố bức thư hối thúc các cơ quan hữu trách ngân hàng có biện pháp cấp bách để ngăn chặn sự sụp đổ của IndyMac Bank và 11 ngày sau đó các khách hàng của IndyMac Bank ùn ùn đổ xô tới ngân hàng này để rút vội hơn 1,3 tỷ USD.

Theo Thượng nghị sỹ Schumer, thất bại của IndyMac không phải là do các diễn biến gần đây của thị trường mà là do cách hoạt động lâu nay của ngân hàng này.

Với quyết định của OTS, quyền điều hành các hoạt động của IndyMac Bank sẽ được chuyển giao Công ty bảo hiểm ký thác liên bang (FDIC).

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh IndyMac Bancorp Inc, công ty mẹ của IndyMac Bank, đã và đang phải tìm kiếm các khoản vốn để vượt qua cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất. FDIC trù tính cái giá phải chi cho việc tiếp quản IndyMac từ 4 tỷ USD tới 8 tỷ USD.

Theo TTXVN