1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục nghiên cứu dự án thép Cà Ná

(Dân trí) - “Tập đoàn sẽ triển khai nghiên cứu thận trọng, nghiêm túc đối với các dự án này nhằm đảm bảo mang lại hiệu quả và lợi ích cho tập đoàn, là tiền đề mạnh mẽ cho những bước phát triển mới trong tương lai”, báo cáo của Tập đoàn Hoa Sen cho biết.

Tập đoàn Hoa Sen cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu dự án khu liên hợp thép Cà Ná Ninh Thuận.
Tập đoàn Hoa Sen cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu dự án khu liên hợp thép Cà Ná Ninh Thuận.

Theo tài liệu CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2016-2017, diễn ra vào sáng 6/1 cho thấy, về hoạt động đầu tư, năm 2017, HSG sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu đối với dự án bất động sản và Tổ hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná tại Ninh Thuận.

“Tập đoàn sẽ triển khai nghiên cứu thận trọng, nghiêm túc đối với các dự án này nhằm đảm bảo mang lại hiệu quả và lợi ích cho tập đoàn, là tiền đề mạnh mẽ cho những bước phát triển mới trong tương lai”, báo cáo cho biết.

Tại đại hội lần này, Tập đoàn Hoa Sen cũng trình cổ đông thông qua báo cáo tiến độ triển khai công tác xúc tiến đầu tư Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận.

Trước đó, hồi tháng 9, Tập đoàn Hoa Sen cũng đã tiến hành Đại hội cổ đông bất thường nhằm thông qua dự án tổ Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.

Tại Đại hội hồi tháng 9, Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ cho rằng, thời điểm này là cơ hội vàng để làm dự án thép vì nhu cầu của thị trường đang lớn chưa bao giờ giá thành đầu tư nhà máy thép rẻ như bây giờ.

Đồng thời khuyên nhà đầu tư “nên nhìn xa trông rộng về những ưu điểm, thuận lợi mà dự án có thể mang lại trong tương lai”. Thậm chí, ông Vũ cũng cho rằng, nếu nhìn thấy Tập đoàn Hòa Phát quý vừa rồi lãi đến 2.000 tỷ đồng từ thép mang lại thì “ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư”.

"Các nước đã chứng minh, khi nền kinh tế phát triển thì lập tức lĩnh vực thép tăng trưởng mạnh. Cho nên chúng ta đầu tư thép là đúng quy luật và đây là cơ hội vàng. Thứ hai, hiện nay thép Trung Quốc bị đánh chống phá giá tại nhiều nước, đó là cơ hội của doanh nghiệp Việt", ông nhấn mạnh.

Hiện dự án khu liên hợp thép Cà Ná đang được xem xét để đưa vào quy hoạch ngành thép. Mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế và nhà khoa học có chuyên môn trong lĩnh vực công nghiệp đã tham dự Hội thảo hẹp (không có báo chí) của Liên Hiệp Khoa học - Kỹ thuật (VUSTA) để đóng góp ý kiến về dự án này.

Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho biết, dự án còn thiếu những thông số quan trọng nhất để có thể xem xét đi đến quyết định cuối cùng. Hiện tại vẫn không rõ nguồn vốn vay ở đâu, lãi suất bao nhiêu, quặng, than nhập từ đâu, năng lực cạnh tranh về giá, chất lượng, thời gian giao hàng so với thép Trung Quốc có trụ được không, công nghệ của công ty nào...

"Bản báo cáo hiện nay chưa rõ tổng chi phí, trong đó chi phí về nước, về cảng, về đào tạo cũng rất lớn. Ai chịu chi phí đó? Như Ninh Thuận phải đầu tư xây nhà máy nước nhưng nước ra không đủ cho nhà máy thép thì nông nghiệp, người dân sống ở đâu? Tại sao lại phải bỏ tiền ra nuôi một nhà máy thép như thế? Điều chúng tôi cũng cần biết là công ty nào làm, công nghệ đó có đảm bảo không và công nghệ nào thì tốt hơn", ông Doanh phát biểu.

Liên quan tới dự án này, tại buổi họp báo chiều 30/12 vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, quy hoạch ngành thép nói chung cũng như chủ trương phát triển dự án thép Cà Ná sẽ được xem xét đầy đủ, khách quan và toàn diện.

"Một đất nước gần 100 triệu dân, đang trong giai đoạn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu sản phẩm thép và nguyên liệu sản xuất thép, gây ra nhập siêu, mất cân đối nghiêm trọng trong khi đó lại có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thép từ tài nguyên tới giao thông, hạ tầng, có điều kiện thuận lợi tiếp cận công nghệ đảm bảo môi trường, nguồn lực về nhân lực để phát triển. Tôi cho rằng sẽ bất hợp lý nếu không tính tới phát triển thép", Bộ trưởng nói.

Đối với dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, dự án này đã được bổ sung vào quy hoạch để thay thế 1 dự án cũ đã bị loại đi và mới chỉ dừng ở điều chỉnh quy hoạch, chưa xem xét chủ trương đầu tư.

"Một dự án từ khi xem xét, đến khi được hình thành, thẩm định, phê duyệt và đầu tư phải qua một bước rất dài và phải được sự phê duyệt của nhiều cơ quan chức năng. Phải có nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, đánh giá tác động môi trường, và hàng loạt bước khác mới được thực hiện, xem xét", ông nhấn mạnh.

Phương Dung