Tập đoàn bâng khuâng mô hình “mềm”,“cứng”

(Dân trí) - Hơn một thế kỷ qua, thực tiễn hoạt động của các tập đoàn kinh tế dưới hình thức các công ty đa quốc gia thường theo 2 loại chính là “mềm” và “cứng”. Ở Việt Nam hiện nay, mô hình tập đoàn hiện vẫn đang bâng khuâng giữa “mềm” và “cứng”.

Lý giải về sự “mềm”, “cứng”, TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM cho biết: loại tập đoàn “mềm” là liên kết giữa các doanh nghiệp độc lập thông qua Hiệp định chung để phân định thị trường tiêu thụ, xác định sản lượng hàng hóa, giá cả sản phẩm để lũng đoạn hoặc thỏa thuận về lượng sản phẩm tiêu thụ chung, giá nguyên liệu cung ứng đối với các doanh nghiệp sản xuất cùng loại.

Loại tập đoàn “cứng”, là mối quan hệ dựa trên cơ sở quan hệ sở hữu vốn điều lệ của công ty mẹ đối với các công ty con.

Nở rộ tập đoàn

Ý tưởng hình thành tập đoàn kinh tế ở Việt Nam bắt đầu vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Nhằm xây dựng những công ty nhà nước có quy mô lớn, làm tiền đề cho việc hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước đủ mạnh tạo động lực thúc đẩy kinh tế, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 90 và 91 thành lập một số tổng công ty nhà nước.

Sau đó, trên cơ sở quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005, năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111 quy định về tổ chức, quản lý tổng công ty nhà nước và chuyển đổi tổng công ty nhà nước theo mô hình công ty mẹ - công ty con và triển khai thí điểm thành lập 8 tập đoàn kinh tế trên cơ sở chuyển đổi từ tổng công ty nhà nước và hoạt động dựa trên cấu trúc này.

Nhưng ngoài 8 tập đoàn kinh tế Nhà nước đang triển khai thí điểm thì trong gần 3 năm qua, khu vực kinh tế tư nhân, với nhờ tích tụ và tập trung vốn trong quá trình phát triển, cùng với chiến lược mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động đã hình thành những nhóm doanh nghiệp hoạt động mang tính chất là các tập đoàn kinh doanh và trên thực tế cũng chính thức xác định tên gọi là tập đoàn, hoạt động trong rất nhiều lãnh vực kinh tế. Các tập đoàn tư nhân cũng bắt đầu “nở rộ”.

Vấn đề đặt ra là đối với cả khu vực nhà nước và tư nhân, các tập đoàn hiện nay thực chất mới chỉ là cái tên, còn hoạt động theo mô hình cụ thể nào thì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp đúng. Ngay cả đối với 8 tập đoàn Nhà nước được “khai sinh” chính thống, vẫn chưa có sự nhìn nhận rõ nét về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và đặc biệt là khuôn khổ pháp luật điều chỉnh sự hoạt động của loại hình kinh tế này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền có nhận xét rằng các tập đoàn hiện nay chủ yếu được hình thành trên cơ sở các tổng công ty 91 trước đây, việc thay đổi mô hình từ tổng công ty lên tập đoàn kinh tế mới mang tính hình thức mà chưa có sự thay đổi mang tính căn bản về mô hình quản lý nhà nước cũng như mô hình quản trị doanh nghiệp, vẫn chưa tách bạch và còn lẫn lộn giữa độc quyền nhà nước với độc quyền doanh nghiệp, làm hạn chế các thành phần kinh tế khác phát triển.

Một số vấn đề chưa được làm rõ như: mối quan hệ, liên kết trong tập đoàn (cách thức liên kết, căn cứ liên kết); cơ chế liên kết trong tập đoàn; địa vị pháp lý của tập đoàn và khung pháp luật điều chỉnh hoạt động của tập đoàn.

Tập đoàn bâng khuâng mô hình “mềm”,“cứng” - 1
Các tập đoàn của Việt Nam vẫn khá lúng túng trong việc xác định mô hình (ảnh minh họa).

Tập đoàn phải là “con đẻ” của thị trường

Việc xây dựng các Tập đoàn kinh tế Nhà nước của Việt Nam hiện nay là từ các Tổng công ty Nhà nước xây dựng thành Tập đoàn “cứng”, tức phát triển các Tổng công ty Nhà nước hiện hành (có đủ điều kiện) hướng hình thành các quan hệ “Công ty mẹ - công ty con” là hoàn toàn đứng đắn và rất phù hợp để áp dụng cho các Tổng công ty Nhà nước như điện lực, hàng không, dầu khí, bưu điện…

Tuy nhiên, trong gần 3 năm qua, các Tập đoàn của Việt Nam lại khá lúng túng trong việc vận hành mô hình này vì trong quá trình hoạt động, các tập đoàn thường lẫn lộn giữa “mềm” và “cứng”.

“Một số tập đoàn, tổng công ty chưa tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, một số tập đoàn vẫn đang hoạt động trong cơ chế “độc quyền” như theo Báo cáo Giám sát của Ủy ban Thường vụ QH hồi đầu tháng 8 vừa qua.

Báo cáo này cũng đã chỉ rõ những sự lúng túng khác như chưa có quy định hạn chế cơ cấu đầu tư trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty dẫn đến tình trạng một số trường hợp công ty con đầu tư ngược trở lại công ty mẹ, công ty mẹ đầu tư chi phối cả công ty cháu!

Công ty mẹ đầu tư vốn vào công ty con và đảm nhận vai trò chủ sở hữu phần vốn đầu tư. Tuy nhiên vai trò chủ sở hữu bị giới hạn và nhiều trường hợp công ty mẹ gặp khó khăn trong việc chi phối đối với công ty con…

Để phân định rõ sự “cứng”, “mềm” trong mô hình của tập đoàn, theo nhận định của TS Trần Du Lịch, thì Nhà nước chỉ nên đóng vai trò “bà đỡ”, chứ Nhà nước không thể thay thế thị trường để sản sinh ra các Tập đoàn bằng các quyết định hành chính được.

“Nhìn chung sự hình thành các tập đoàn kinh tế trên thế giới, dù tập đoàn của Nhà nước hay tập đoàn tư nhân đều hình thành từ quá trình và phương thức vận động phát triển của thị trường chứ không phải từ các quyết định hành chính”- ông Lịch cho hay.

Hiện, Ủy ban Thường vụ QH cũng đang có kiến nghị lên Chính phủ về mô hình của tập đoàn hiện nay cần tiếp tục hoàn thiện mô hình công ty mẹ - công ty con theo nguyên tắc chủ sở hữu (công ty mẹ) được quyền định đoạt vốn, tài sản của công ty con theo quy định của pháp luật; lành mạnh hóa quan hệ sở hữu trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty theo hướng không cho phép công ty con đầu tư ngược trở lại vào công ty mẹ.

Tiếp tục xây dựng thị trường kinh doanh lành mạnh theo nguyên tắc giảm tính độc quyền của tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Xóa bỏ những đặc quyền về ngành, lĩnh vực để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế hợp tác, cạnh tranh bình đẳng theo quy định của pháp luật.

Đoàn Trần