1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Tập đoàn Ấn Độ đang “nhòm ngó” cổ phần mỏ Núi Pháo?

(Dân trí) - Truyền thông Ấn Độ đưa tin, NMDC đang muốn mua một lượng lớn cổ phần tại mỏ Núi Pháo. Một nhóm nghiên cứu từ NMDC đã đến thăm nhà máy Núi Pháo và có các buổi trao đổi sơ bộ với Masan Resources.

Mỏ Núi Pháo ở Thái Nguyên là mỏ vonfram lớn nhất thế giới có trữ lượng ước tính lên tới 66 triệu tấn.
Mỏ Núi Pháo ở Thái Nguyên là mỏ vonfram lớn nhất thế giới có trữ lượng ước tính lên tới 66 triệu tấn.

Trang India Today của Ấn Độ ngày 20/2 dẫn một nguồn tin thân cận cho biết: Tập đoàn quốc doanh chuyên về khai thác mỏ NMDC của Ấn Độ đang bàn thảo với Masan Resources về kế hoạch mua lại "một lượng lớn cổ phần" trong mỏ khoáng sản Núi Pháo tại Việt Nam.

Theo nguồn tin này, gần đây, một nhóm nghiên cứu từ NMDC đã đến thăm nhà máy và có các buổi trao đổi sơ bộ với Masan Resources. NMDC đang muốn mua một lượng lớn cổ phần tại mỏ Núi Pháo, trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng muốn mua kim loại vonfram từ NMDC. Quyết định sẽ chỉ được đưa ra sau khi đã tiến hành thẩm định xong.

Các quan chức tại NMDC từ chối bình luận vì đã ký thỏa thuận bảo mật không tiết lộ thông tin với công ty phía Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện phía CTCP Tập đoàn Masan cũng từ chối bình luận về thông tin này.

NMDC là công ty 100% vốn nhà nước của Ấn Độ, thành lập năm 1958. Đây cũng là nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất của Ấn Độ, với doanh thu đạt hơn 960 triệu USD, lợi nhuận ròng đạt hơn 450 triệu USD trong năm tài chính 2015 - 2016. Hiện Ấn Độ phải nhập khẩu hầu hết vonfram để phục vụ nhu cầu trong nước do chi phí sản xuất cao, hiệu suất kinh tế kém.

Trong khi đó, Mỏ Núi Pháo ở Thái Nguyên là mỏ vonfram lớn nhất thế giới có trữ lượng ước tính lên tới 66 triệu tấn, chiếm 33% tổng sản lượng toàn cầu.

Năm ngoái, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) công bố kế hoạch chào mua công khai toàn bộ cổ phiếu phổ thông đang lưu hành của Masan Resources thông qua công ty con là CTCP Tầm nhìn Masan.

Hiện tại, Tập đoàn Masan thông qua Tầm nhìn Masan đang sở hữu 72,7% cổ phần tại MSR và Công ty MRC Ltd. - một quỹ đầu tư được đồng quản lý bởi Tập đoàn Đầu tư Fortress và Moubt Kellett sở hữu 20,04%. Ngoài ra, các cổ đông nhỏ lẻ còn lại với tỷ lệ không đáng kể. Mới đây, Công ty MRC Ltd đã thể hiện sự quan tâm tới việc bán lại cổ phần của mình trong đợt chào mua công khai này như là một phần kế hoạch tổng thể của quỹ trong việc tái cơ cấu các khoản đầu tư.

Masan dự định cấp vốn cho kế hoạch chào mua công khai của công ty con thông qua sự kết hợp giữa một khoản nợ 2 năm trị giá 35 triệu USD và phát hành 12 triệu cổ phiếu phổ thông với giá 95.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp rưỡi thị giá hiện tại của cổ phiếu MSN. Ước tính, nếu đợt phát hành này diễn ra thành công, Masan sẽ thu về 1.140 tỷ đồng.

Liên quan tới dự án Núi Pháo này, hồi năm ngoái, sau khi nhận được thông tin người dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên phản ánh Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về các vấn đề môi trường liên quan đến hoạt động của Công ty này.

Tại buổi làm việc trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ tiến hành ngay việc thanh tra toàn diện về tài nguyên môi trường của Công ty Núi Pháo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu công ty Núi Pháo đánh giá toàn diện tác động tới môi trường, cuộc sống của người dân do các hoạt động của công ty gây ra. Đồng thời lập kế hoạch đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc liên tục, tự động đối với nước thải theo quy định.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm