1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tạo thế vững cho gạo xuất khẩu của Việt Nam

Theo tính toán của chuyên gia trong ngành, nếu lúa được sấy khô và tồn trữ đúng cách, giá trị của gạo xuất khẩu có thể tăng thêm 30 USD/một tấn. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu cho gạo đóng vai trò rất quan trọng.

Năm nay, lượng gạo xuất khẩu đạt hơn 5 triệu tấn, với giá trị trên 1,3 tỷ USD. Kết quả này có được một phần là do các doanh nghiệp đã duy trì được chất lượng gạo ổn định và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng tại những thị trường khó tính, trong đó có Nhật Bản. Hiện tại, một số hợp đồng xuất khẩu gạo cho năm 2006 đã được ký kết, chủ yếu xuất sang thị trường Philippines, Trung Đông và Indonesia.

Nông dân ở những vùng lúa hàng hoá lớn cũng đang tập trung ứng dụng công nghệ hiện đại cho sản xuất và bảo quản sau thu hoạch, sử dụng các giống mới vào thâm canh để tăng năng suất, nâng cao chất lượng của nguồn lúa gạo xuất khẩu.

Với vị trí nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, Việt Nam là quốc gia luôn hứng chịu nhiều trận bão và thiên tai. Điều này ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất lúa gạo nói riêng. Các vụ thu hoạch lúa thường vào mùa mưa bão, nên khâu yếu của ngành này hiện nay vẫn là công nghệ chế biến và bảo quản.

Theo tính toán của một số chuyên gia trong ngành, nếu lúa được sấy khô và tồn trữ đúng cách, giá trị của gạo xuất khẩu có thể tăng thêm 30 USD một tấn. Như vậy, với 5 triệu tấn gạo xuất khẩu, tổng mức tăng thêm có thể lên tới 200 triệu USD - số tiền đủ cho đồng bằng sông Cửu Long trang bị thêm 3.000 hệ thống sấy lúa công nghiệp.

Ngoài ra, để hạt gạo xuất khẩu giành được thế đứng vững chắc trên thị trường thế giới, việc xây dựng thương hiệu cho gạo đóng vai trò rất quan trọng. Ông Huỳnh Thế Năng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang - tỉnh có sản lượng lúa hàng hoá cao nhất cả nước, cho biết, tỉnh đang xúc tiến xây dựng thương hiệu cho lúa nếp Phú Tân, hiện được trồng trên diện tích 35.000 ha.

Trong số các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả tại An Giang, phải kể đến Nông trường Sông Hậu với thương hiệu gạo SOHAFARM đã được khách hàng nhiều nước tín nhiệm. Song song với xây dựng thương hiệu, Nông trường đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trên diện tích 5.000 ha và sử dụng 40 lò sấy lúa để nâng cao khả năng bảo quản sau thu hoạch.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo phương thức như Nông trường Sông Hậu tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long không nhiều. Tồn tại mà các doanh nghiệp này đang đối mặt là khó khăn về giống trong sản xuất, dự báo thị trường và cơ sở vật chất chưa được đầu tư đúng mức. Ngoài ra, nông dân vẫn còn sản xuất manh mún, mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp còn ít gắn bó.

Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng các chuyên gia vẫn có cái nhìn khả quan về thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam, bởi cũng giống như may mặc, thuỷ sản, xuất khẩu nông sản Việt Nam đang trên đà tăng trưởng. Theo Bộ Thương mại, thị trường gạo xuất khẩu 2006 sẽ có nhiều thuận lợi và Bộ đề ra chỉ tiêu xuất khẩu từ 4 triệu đến 4,2 triệu tấn gạo cho năm tới.

Theo VOV