“Tạo điều kiện khiến cán bộ hư hỏng, doanh nghiệp cũng có lỗi”

(Dân trí) - Cho biết, lãnh đạo Chính phủ đang dự thảo một Chỉ thị về thực hiện những nội dung của Nghị quyết 35, trong đó, trong trường hợp “trên nóng, dưới lạnh” thì cán bộ thực thi sẽ bị xử lý tùy mức độ vi phạm như kỷ luật, luân chuyển hoặc cách chức. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, việc tạo nên cán bộ hư hỏng có phần lỗi của doanh nghiệp.

Thông tin tại cuộc họp báo về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) năm 2017 diễn ra cuối chiều nay (17/5), ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, đây là một sự kiện hết sức quan trọng được cộng đồng DN, doanh nhân quan tâm. Đây cũng là sự kiện gặp mặt DN lớn nhất từ trước đến nay.

Hội nghị lần này, các lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành đã đối thoại và gặp mặt với hơn 10.000 đại diện DN, không chỉ tại Trung tâm Hội nghị quốc gia mà bao gồm cả các doanh nghiệp ở các đầu cầu tại các tỉnh, thành phố.

Điểm đáng chú ý là phần lớn đại biểu tham gia hội nghị là các DN nhỏ và vừa (DNNVV) thuộc thành phần kinh tế tư nhân (KTTN), thể hiện sự chủ động, quyết tâm của Thủ tướng, của Chính phủ về triển khai cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Trung ương 5 về định hướng phát triển KTTN.

Khẳng định khu vực KTTN là động lực quan trọng của nền kinh tế, ông Dũng cho biết, hiện nay, khu vực KTTN có 85% lao động trong nền kinh tế, đóng góp 39-40% vào GDP, mục tiêu đến 2020 cả nước quyết tâm có trên 1 triệu DN (chủ yếu là DNTN) và 1,5 triệu DN vào năm 2025.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “DN tạo cho điều kiện cho cán bộ hư, cán bộ hỏng thì DN cũng có lỗi”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “DN tạo cho điều kiện cho cán bộ hư, cán bộ hỏng thì DN cũng có lỗi”.

Quy định rõ chế tài với cán bộ công chức thực thi

Theo nhận định của người phát ngôn Chính phủ, so với hội nghị Thủ tướng với DN diễn ra hồi năm ngoái, bức xúc của DN đã thuyên giảm rất nhiều, điều này cho thấy quyết tâm của Chỉnh phủ và các bộ ngành trong 1 năm qua đã đạt được hiệu quả.

Đáng chú ý, theo ông Dũng, trong năm qua, các TTHC đã được thực hiện rất tốt, giảm chi phí (bao gồm cả chi phí chính thức và không chính thức) và thời gian cho DN.

Ngay sau hội nghị sáng nay, vào 15h hôm nay, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành đã họp để xây dựng dự thảo một Chỉ thị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35 với nội dung hết sức mạnh mẽ cụ thể. Dự thảo Chỉ thị dài 11 trang với trên 60 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, các địa phương thực hiện.

Ông Mai Tiến Dũng cũng cho biết, trong ngày hôm nay, Chính phủ cũng đã bàn về cơ chế giám sát và chế tài đối với những cá nhân, tập thể nếu không thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trên tinh thần “đồng hành cùng DN”.

Theo đó, DN phản ánh rằng, có tình trạng “trên nóng dưới lạnh, thậm chí đóng băng”, trên “cởi trói” nhưng vài nơi lại trói lại. Ngay cả nhận thức, quan điểm, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công chức cũng không đồng đều.

Do đó, tại dự thảo Chỉ thị này, Chính phủ đã quy định rất rõ, với những cán bộ vi phạm phải có những biện pháp mạnh như kỷ luật, luân chuyển, thậm chí là cách chức.

Khi chỉ thị này được ban hành, công khai toàn dân với sự giám sát của người dân và DN thì sẽ buộc các công chức viên chức phải chấp hành, DN cũng phải chấp hành. Bởi theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thì “DN tạo cho điều kiện cho cán bộ hư, cán bộ hỏng thì DN cũng có lỗi”.

Xảy ra thanh, kiểm tra chồng chéo, Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm

Liên quan đến Chỉ thị 20 về việc khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo vừa mới được Thủ tướng ký ban hành chiều nay, ông Dũng cho biết, chỉ thị này được thông qua chỉ trong 1 ngày với sự tham gia của cơ quan Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư Pháp.

Quan điểm là 1 năm chỉ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán 1 lần nên Chỉ thị 20 giao thẩm quyền cho người đứng đầu tỉnh, thành phố là phê duyệt kế hoạch về thanh kiểm tra. Chẳng hạn, thẩm quyền thanh tra, kiểm qua của công an là liên quan đến phòng chống cháy nổ, của Sở môi trường là những vấn đề về môi trường, Sở Tài chính liên quan đến thuế, hải quan…

Bên cạnh hoạt động thanh tra theo kế hoạch thì việc thanh tra đột xuất cũng chỉ được thực hiện khi phát hiện được các dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó dấu hiệu phải rõ ràng, phải có chứng cứ. Chẳng hạn như xả thải ra môi trường không xử lý là vi phạm pháp luật, là chứng cứ quả tang.

Theo đó, khi phát hiện có dấu hiệu thanh, kiểm tra chồng chéo thì Chủ tịch tỉnh, thành phố sẽ phụ trách giải quyết. Nếu DN phản ánh mà không được giải quyết thì kiến nghị lên cấp cao hơn và lãnh đạo tỉnh, thành phố sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Tùy vào mức độ vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Bích Diệp