Tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư khởi nghiệp nhưng phải chống “rửa tiền”

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, tạo điều kiện tốt nhất cho các quỹ đầu tư khởi nghiệp nhưng đồng thời phải chống “rửa tiền”, chống chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài…

Tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư khởi nghiệp nhưng phải chống “rửa tiền” - 1

Hội thảo Kết nối và phát huy các nguồn lực để Startup Việt nhìn ra thế giới diễn ra tại TPHCM. Ảnh: Đại Việt

Tại Hội thảo Kết nối và phát huy các nguồn lực để Startup Việt nhìn ra thế giới thì đại diện Bộ Khoa học Công nghệ và các chuyên gia đều cho rằng, cần phải chung tay cho doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm đẩy nhanh công cuộc hội nhập thế giới và lan tỏa khát vọng vươn ra biển lớn của doanh nghiệp Việt.

Bà Thạch Lê Anh, Nhà sáng lập Vietnam Sillicon Valley (VSV), một đề án được Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt nhằm kết nối các nhà đầu tư, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp cho biết, tại Sillicon Valley (Hoa Kỳ) thì 80% nguồn vốn dành cho các startup đến từ các quỹ đầu tư tư nhân (nguồn vốn xã hội). Trong khi đó, tỉ lệ này ở Việt Nam là 100%.

Mục tiêu của các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp là đưa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam “hòa mình” vào hệ sinh thái khởi nghiệp của khu vực và thế giới. Đầu tư cho startup chính là đầu tư về con người.

“Mỗi năm, chúng tôi đầu tư cho 10 – 20 nhóm khởi nghiệp và từ năm 2014 đến nay thì chúng tôi đã đầu tư vào 100 công ty. Có một điều bất ngờ là tỉ lệ đầu tư thành công của chúng tôi cho các nhóm khởi nghiệp là 36 – 40%, đây là tỉ lệ rất cao và cho thấy startup của Việt Nam có chất lượng”, bà Thạch Lê Anh nói.

Cũng theo bà Thạch Lê Anh, năm 2014, VSV đã “rót” một khoản vốn mồi là 10.000 USD cho một nhóm sinh viên khởi nghiệp gồm 5 người. Dự án này ngày càng phát triển và được nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ tài chính. Đến năm 2019, dự án của các sinh viên ngày ấy đã được định giá tới 30 triệu USD.

Tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư khởi nghiệp nhưng phải chống “rửa tiền” - 2

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ. Ảnh: Đại Việt

Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nguồn vốn cho khởi nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là nguồn vốn xã hội, không có vốn của Nhà nước. Ý tưởng khởi nghiệp càng tốt thì sẽ được đầu tư càng nhiều.

Bộ Khoa học Công nghệ đang kêu gọi các tập đoàn lớn, tổng công ty lớn quay lại đầu tư cho khởi nghiệp từ những giai đoạn đầu và khi dự án “lớn lên”.

“Các doanh nghiệp mạnh dạn đặt hàng với các startup, doanh nghiệp mong muốn điều gì cứ “ra đề bài” cho startup. Các startup sẽ nghiên cứu, tháo gỡ và tìm ra những giải pháp mới, công nghệ mới. Đây là cách đầu tư rẻ nhất. Tại nước ngoài, các tập đoàn lớn còn đặt hàng với sinh viên, giảng viên của các trường đại học. Nếu dự án phát triển tốt thì các sinh viên tham gia vào dự án có thể vào tập đoàn làm việc sau khi ra trường”, ông Trần Văn Tùng chia sẻ.

Cũng theo ông Tùng, việc hỗ trợ vốn cho các startup chủ yếu đang đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn đang thiếu cơ chế cho việc quản lý các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Các cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu những cơ chế thuận lợi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho đầu tư khởi nghiệp nhưng đồng thời phải chống “rửa tiền”, chống chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài, phù hợp với các quy định về Luật ngân sách Nhà nước, quy định quản lý tài chính…

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, các đội ngũ khởi nghiệp của Việt Nam sẽ được đưa sang các nước phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore để học hỏi, đào tạo nhằm đưa hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước hòa vào hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới.

“Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang dần khẳng định được mình trên bản đồ khởi nghiệp thế giới. Minh chứng rõ nhất là trong năm qua đã có khoảng 80 nhà đầu tư lớn trên thế giới đã tiếp xúc với Bộ Khoa học Công nghệ để tìm cơ hội đầu tư cho các startup, tăng gấp 1,5 lần so với năm trước”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.

Theo Bộ Khoa học Công nghệ, đơn vị này mong muốn sẽ có thêm nhiều nguồn lực trong nước, quốc tế, các doanh nghiệp lớn, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong thời gian tới. Góp phần đẩy nhanh công cuộc hội nhập thế giới và lan tỏa khát vọng vươn ra biển lớn của doanh nghiệp Việt.

Đại Việt