1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tăng trưởng kinh tế: Kịch bản lạc quan quay trở lại?

(Dân trí) - Hàng loạt tổ chức tài chính đều đưa ra dự báo lạc quan cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 - năm bản lề hoàn thành kế hoạch kinh tế xã hôi giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 và cả cho giai đoạn 2016 - 2020.

Tăng trưởng kinh tế: Kịch bản lạc quan quay trở lại?
Kinh tế khởi sắc được đánh giá là nhờ những tín hiệu tốt như cầu nội địa tăng cao, ngành công nghiệp sản xuất đang tiếp tục thu hút FDI, chỉ số niềm tin tiêu dùng đạt kỷ lục mới...

Số liệu công bố từ Tổng cục thống kê cho thấy, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,28%, cao nhất 5 năm. Sau con số tăng trưởng “đáng mừng” trong 6 tháng đầu năm, hàng loạt tổ chức tài chính đã đưa ra dự báo lạc quan cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 - năm bản lề hoàn thành kế hoạch kinh tế xã hôi giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 và cho cả giai đoạn 2016 - 2020.

Trong báo cáo vừa công bố, Bộ phận nghiên cứu của ngân hàng ANZ tiếp tục giữ nguyên mức dự đoán tăng trưởng 6,5% trong năm 2015 và 2016 cho Việt Nam, cao hơn so với dự báo của các định chế lớn như IMF, ADB.

Kinh tế khởi sắc được đánh giá là nhờ những tín hiệu tốt như cầu nội địa tăng cao, ngành công nghiệp sản xuất đang tiếp tục thu hút FDI, chỉ số niềm tin tiêu dùng đạt kỷ lục mới và nền kinh tế đang dần phát huy hết tiềm năng tăng trưởng.

Theo ANZ, GDP quý II Việt Nam đạt mức 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức kỳ vọng 6,2%. Mặc dù sản lượng nông nghiệp có dấu hiệu giảm, hiện chiếm 17% GDP, song được bù đắp bởi kết quả khả quan của các ngành công nghiệp và khối xây dựng, vốn đang trên đà phục hồi.

Trước đó, Ban Phân tích Dự báo (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia NCIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đưa ra dự báo cho rằng, cả năm 2015, GDP có thể đạt mức tăng trưởng 6,48%, vượt chỉ tiêu đặt ra là 6,2%.

Mặc dù tỏ ra lo ngại về khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ, NCIF vẫn cho rằng, khu vực công nghiệp - xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục tăng cao và là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng. Khu vực dịch vụ cải thiện ở mức vừa phải. 

“Nhiều khả năng những chỉ tiêu kinh tế - xã hội chính được đưa ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 sẽ được hoàn thành, trong đó 2 chỉ tiêu quan trọng nhất, tốc độ tăng trưởng GDP có nhiều khả năng sẽ vượt chỉ tiêu đề ra, trong khi chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm sẽ vẫn được duy trì” – NCIF đánh giá.

Đối với riêng tăng trưởng kinh tế năm 2016, NCIF còn lạc quan cho rằng, ở kịch bản tốt, tăng trưởng GDP có thể đạt tới 7,1%. Ở kịch bản này, nền kinh tế phát triển mạnh nhờ những động lực phát triển kinh tế, hiệu quả đầu tư trong nước tiếp tục cải thiện, các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, tác động từ các hiệp định thương mại tự do.

Thậm chí trong kịch bản “kém lạc quan” hơn, tăng trưởng kinh tế cũng được dự báo tăng tới 6,7%, lạc quan hơn nhiều so với các dự báo đặt ra cho năm 2015.

Trong tầm nhìn xa hơn, khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoặc Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội mới cho Việt Nam thông qua việc cải thiện tiếp cận các thị trường đầu tư và xuất khẩu rộng lớn hơn.

Trong bản Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2015 với chủ đề “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập” công bố hồi tháng trước, nhóm tác giả Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi khi tham gia TPP.

Theo đó, các tác giả khẳng định, với tốc độ tăng trưởng về đầu tư và tiêu dùng sẽ tăng từ 1,03% đến 2,11% khi Việt Nam tham gia TPP thì ước tính mỗi năm, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm về giá trị tuyệt đối từ 1,4 tỷ USD đến 2,9 tỷ USD. Mức tăng này được cho là nổi bật hơn cả so với các nước trong khối như Úc, Malaysia, Mỹ.

Đánh giá về tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, với kịch bản khả thi nhất cho các nước tham gia, tới năm 2020 GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm từ 2-4% so với trường hợp không tham gia.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn và đàm phán các FTA vẫn đang diễn ra, bao gồm cả RCEP, Việt Nam cần tận dụng những cơ hội và khắc phục thách thức nhằm thúc đẩy thương mại đầu tư, tập trung vào nhập khẩu công nghệ tiên tiến để tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để dần trở thành một nền kinh tế tri thức và thân thiện môi trường.

Phương Dung
(phuongdung@dantri.com.vn)

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”