1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tăng trưởng GDP 6 tháng tăng 6,28%

(Dân trí) - Theo số liệu công bố mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay đạt 6,28%, tăng so với con số 6,11% ước tính đưa ra cách đó vài ngày.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Báo cáo tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm chiều nay (26/6), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm ước tính tăng 6,28% so với năm 2014. Trong đó, quý I tăng 6,08%; quý II tăng 6,44%. 

Trong mức tăng 6,28% của nền kinh tế: khu vực nông nghiệp tăng 2,36%, đóng góp 0,42 điểm %; khu vực công nghiệp tăng 9,09%, đóng góp 2,98 điểm %; dịch vụ tăng 5,9%, đóng góp 2,22 điểm %.

Xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2014, đóng góp 7,74 điểm %; tích luỹ tài sản tăng 6,85%, đóng góp 2,25 điểm %; chênh lệch xuất nhập khẩu và dịch vụ giảm 3,71 điểm % của mức tăng trưởng chung. 

Điểm đáng lưu ý, trong một báo cáo phát hành cách đây 3 ngày tại Hội nghị giao ban tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thống kê cho biết, nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phục hồi của năm 2014 với GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,11% so với cùng kỳ. 

Trong đó, tốc độ tăng trưởng của các nhóm ngành cũng có số khác so với lần công bố mới nhất này. Theo báo cáo ngày 23/6, khu vực nông nghiệp tăng 2,16%; công nghiệp tăng 8,36%; dịch vụ tăng 6,16%.

Lý giải về số liệu GDP 6 tháng đầu năm chênh lệch nhau trong 2 lần công bố, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ tài chính quốc gia khẳng định, GDP 6 tháng đầu năm theo tính toán mới nhất đạt mức tăng trưởng 6,28%.

Ông Tuyến lý giải: “Trước đó, Tổng cục Thống kê đã công bố tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm là 6,11%, sau 2 ngày điều chỉnh tăng lên 6,28%. Tuy nhiên, số 6,11% chỉ là số ước tính nhanh để phục vụ kế hoạch năm 2015 được đưa ra hồi cuối tháng 5”. 

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng khẳng định: "Thời điểm chúng tôi đưa ra con số 6,11% là vào cuối tháng trước để cung cấp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Lúc đó số liệu chưa đầy đủ do đó không thể sát với con số cuối cùng. Tôi đã từng nói tới nhiều lần, số liệu thống kê có thường có 3 con số, nếu yêu cầu càng sớm thì sai số càng lớn". 

Về chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong cả năm nay, chiều tối ngày 25/6, trong buổi họp Tổ điều hành kinh tế vĩ mô liên bộ (Tài chính - Kế hoạch Đầu tư - Công thương và Ngân hàng Nhà nước), Tổ điều hành cũng nhận định, còn nhiều khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong 6 tháng còn lại của năm 2015.  

Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang giảm mạnh. Năm 2014, nông nghiệp đóng góp 3,44% vào tăng trưởng GDP nhưng 6 tháng qua chỉ còn 2,17%. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do hạn hán kéo dài khiến miền Trung không thể gieo cấy, sản lượng giảm; thủy sản như tôm, cá da trơn cũng bị dịch bệnh ảnh hưởng tới sản xuất và xuất khẩu.

"Có thể thấy, nông nghiệp là trụ đỡ, nền tảng kinh tế của Việt Nam, là khu vực thu hút nhiều lao động, ảnh hưởng an sinh xã hội và suy giảm mạnh là vấn đề đáng lo ngại cần bàn bạc, chung tay giải quyết”, các Bộ trường đầu ngành nhìn nhận.

Bên cạnh đó, Tổ công tác liên ngành cũng cho rằng, trong 3 năm liên tiếp, Việt Nam xuất siêu nên cán cân thanh toán ngoại tệ thặng dư, dự trữ ngoại tệ cũng tăng lên. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam bắt đầu nhập siêu và hiện nay nhập siêu đang chiếm 4,7% so với kim ngạch xuất nhập khẩu trong khi chỉ tiêu Quốc hội phê duyệt năm 2015 chỉ là 5%.

Giải pháp đặt ra là phải thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp để giảm tỷ trọng nhập siêu. Bên cạnh đó, sử dụng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chặt nhập khẩu, nhất là các mặt hàng không thiết yếu cho đời sống, các mặt hàng xa xỉ, không cần thiết, nhập khẩu quá mức, cần khống chế.

 Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm