Lạm phát cao là mất hết

Chừng nào mấy “ông” bất động sản không được xử lý bằng cơ chế thị trường mà đợi cứu, doanh nghiệp Nhà nước chờ giá lên mới bán cổ phần thì khó chuyển biến nền kinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng khó khăn trong 2 năm 2011, 2012 là cái giá đắt để ổn định kinh tế vĩ mô nên nếu lạm phát năm nay cao trở lại thì “coi như mất hết”.

 

Lạm phát cao là mất hết
Giá bất động sản phải giảm xuống nữa thì kinh tế mới bừng lên. Trong ảnh: các dự án địa ốc trên đường Nguyễn Hữu Thọ.
 

Khôi phục niềm tin bằng lạm phát thấp

 

Ông đánh giá thế nào về tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong năm 2013?

 

Về dự báo tăng trưởng trong năm 2013, nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó khăn nhưng tôi nghĩ không thể khó hơn năm 2012 được nữa vì tăng trưởng năm qua đã rất thấp, gần xuống mức tối thiểu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có tiềm năng tự nhiên từ tăng trưởng lao động, việc làm. Hơn nữa, năng suất và hiệu quả ít nhiều cũng sẽ được cải thiện trong năm 2013 vì đã bắt đầu có động thái tái cơ cấu như đầu tư bớt dàn trải hơn, đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giảm đi khiến nguồn lực đó được khai thác trở lại. Những tài sản lâu nay chưa được sử dụng từ xử lý nợ xấu chắc chắn sẽ thay đổi so với trước. Nếu không có những điều chỉnh gây xáo trộn vĩ mô mà nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, không cứu “ông” này, “ông” kia thì tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng từ 5% - 5,5% là hoàn toàn khả thi.

 

Về lạm phát cũng có thể giữ ở mức khoảng 6%. Đây mới là điều quan trọng. Vừa qua, có nhiều ý kiến muốn nới tăng trưởng nhưng như thế quá ngắn hạn. Nếu giảm được lạm phát thì tiền tệ mới ổn định, có điều kiện để giảm lãi suất, từ đó giảm được chi phí vốn. Phải giữ được lạm phát thấp mới khôi phục được niềm tin. Khó khăn mà nền kinh tế phải đối mặt trong 2 năm 2011, 2012 là cái giá mà chúng ta phải trả để ổn định vĩ mô. Đã phải trả giá đắt thì cần giữ kết quả đạt được, lấy lại niềm tin. Nếu lạm phát cứ giật lên giật xuống, năm nay lại cao nữa thì coi như mất hết.

 

Nhiều ý kiến sốt ruột muốn nới tăng trưởng chung quy cũng vì muốn cứu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp năm vừa qua phá sản nhiều quá...

 

Tôi nghĩ đó là thực tế phải chấp nhận. Diễn biến kinh tế Việt Nam 4 năm qua bất ổn thì kết quả đương nhiên là như thế. Nay “cứu” chỗ này, chỗ kia là không ổn. Bốn năm qua, doanh nghiệp phải gồng mình chống chọi với khó khăn, vốn tích lũy được giống như năng lượng tích trữ nhiều năm tiêu hao dần, đến nay đã cạn không thể hoạt động nữa thì phải phá sản, ngừng hoạt động. Đó là cái giá phải trả do những sai lầm bất ổn vĩ mô. Vấn đề bây giờ là không hỗ trợ được, không thúc đẩy được thì phải tạo thuận lợi; đừng tăng thêm gánh nặng chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp. Đáng tiếc là năm 2012 vẫn có những chuyện như đánh thuế túi ni lông; thuế kiểm định trứng gà, trứng vịt; phí đường bộ… Năm nay phải chấm dứt ngay, không “đẻ” thêm thuế, phí nữa.

 

“Cứu” gì cũng phải theo thị trường

 

Nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu, là hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN nhưng đến nay, nợ xấu và tái cơ cấu DNNN vẫn thực hiện rất chậm. Tình trạng này có gây sức ì cho nền kinh tế?

 

Xử lý nợ xấu đúng là chậm và thiếu thông tin. Điều quan trọng là phải khởi động, tiến hành để thị trường và dân chúng thấy chúng ta đang làm và làm đúng. Cần minh bạch, công khai quá trình này; cụ thể là làm thế nào, ai làm, kết quả ra sao, tiêu chí đánh giá, giám sát thế nào để biết và dự tính được kết quả. Chúng ta đã không làm được như vậy, không nói đến cách thức, công cụ thực hiện, tiêu chí đánh giá thế nào và lộ trình khi nào giảm nợ xấu xuống 5% hay 3%. Chỉ có thông tin là “đang làm rất quyết liệt” và đưa ra một vài con số nhưng không đủ thuyết phục.

 

Năm nay, Chính phủ có nghị quyết tháo gỡ khó khăn ngay từ tháng 1, như vậy có thể hy vọng tình hình sẽ khả quan hơn?

 

Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là tổ chức thực hiện. Các bộ ngành, địa phương phải vào cuộc, sau đó thông báo kết quả. Nếu cứ hô hào nhưng không hiểu mục tiêu, kết quả thế nào, ai kiểm định, đánh giá thì cuối cùng chỉ là chính sách mang tính chất hành chính, khó đi vào cuộc sống.

 

Tất cả các giải pháp phải tuân thủ cơ chế thị trường. Khi nào khuyến khích được sáng kiến, sáng tạo của doanh nghiệp, người dân thì lúc đó, nguồn lực đang đóng băng sẽ được sử dụng, kinh tế mới bừng lên. Chừng nào mấy “ông” bất động sản (BĐS) không được xử lý bằng cơ chế thị trường mà đợi cứu, DNNN cứ chờ giá lên mới bán cổ phần thì khó chuyển biến nền kinh tế. Giá BĐS phải giảm thêm, nợ xấu được mua bán theo cơ chế thỏa thuận của thị trường thì dòng tiền mới luân chuyển. Đáng tiếc là vừa rồi chúng ta đã đánh mất cơ hội phá băng BĐS, nếu có cũng phải một năm nữa cơ hội khác mới xuất hiện.

 

Theo Tô Hà

NLĐ