Tăng trần vé máy bay, lo ngại giá tiêu dùng "ăn theo"

(Dân trí) - Việc tăng giá trần vé máy bay vào thời điểm sắp Tết khiến nhiều người lo ngại có thể kéo theo những biến động giá tiêu dùng. Tuy nhiên, giới chức trách cho rằng kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô không có nghĩa là phải đông giá.

Tăng trần giá để tránh thua lỗ

Tại cuộc họp báo công bố quyết định tăng giá trần vé trên các đường bay nội địa còn vị thế độc quyền vào chiều 8/12, Liên Bộ Tài chính và Giao thông Vận tải đã ban hành mức tối đa khung cước vận chuyển hành khách hạng phổ thông à 5.000 đồng/hành khác/km; đối với hạng phổ thông có cự ly từ 500 km trở lên có giá là 3.000 đồng/hành khách/km (chưa bao gồm thuế VAT).

Văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định tăng giá của Cục Hàng không Việt Nam xác định mức trần khung giá cước theo 5 nhóm cự lý vận chuyển áp dụng thống nhất cho các hãng hàng không như sau (áp dụng với 1 vé/1 chiều - PV) : Dưới 500 km là 1.700.000 đồng; từ 500 km - dưới 850.000 km có giá 2.250.000 đồng; từ 850 km - dưới 1.000 km là 2.890.000 đồng; từ 1.000 km - dưới 1.280 km có giá 3.400.000 đồng và từ 1.280 km trở lên áp dụng mức giá 4.000.000 đồng.
 
Tăng trần vé máy bay, lo ngại giá tiêu dùng "ăn theo" - 1

Trần giá mới được thẩm định từ phương án giá của các hãng hàng không,
đặc biệt là Vietnam Airlines

Từ cơ sở trên, các hãng quy định giá cước cụ thể trên đường bay hoặc nhóm đường bay theo phương thức đa dạng giá vé với cấu trúc tối thiểu 7 mức giá cho mỗi đường bay và thực hiện đầy đủ kê khai mức giá.

Cục Hàng không yêu cầu kê khai lần đầu của các hãng hàng không theo mức trần khung giá cước mới không được vượt quá mức sau đây: Dưới 500 km là 1.700.000 đồng; từ 500 km - dưới 850.000 km có giá 1.940.000 đồng; từ 850 km - dưới 1.000 km là 2.580.000 đồng; từ 1.000 km - dưới 1.280 km có giá 2.720.000 đồng và từ 1.280 km trở lên không vượt quá 3.430.000 đồng (áp dụng với 1 vé/1 chiều - PV).

Nói về cơ sở để tính toán mức giá trần mới, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định vẫn trên cơ sở khung giá thành. Trong biểu chi phí với những yếu tố lớn như: giá xăng dầu, thuê máy bay, thuê phi công, bảo dưỡng tàu bay… đều chịu tác động của biến động của tỷ giá ngoại tệ, vì vậy giá cước vận chuyển cũng phải tính toán điều chỉnh tăng lên.

Tuy nhiên, mức giá trần mới công bố được cho là chưa thỏa mãn đối với tất cả các hãng hàng không, vì hồi giữa tháng 9/2011 Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đề nghị tăng trần giá vé nội địa lên 1,5 lần so với giá đang khai thác, nhưng hãng hàng không tư nhân Air Mekong muốn tăng lên gấp 2 lần.

Cục phó Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết: “Thời gian vừa qua, hoạt động khai thác kinh doanh vận chuyển nội địa với mức giá quy định theo trần giá hiện tại đã gây những khó khăn cho các hãng hàng không. Vì vậy, các hãng hàng không đều kiến nghị lên Nhà nước là bỏ trần giá và cần để giá cước được điều tiết theo cơ chế thị trường, nếu chưa bỏ được thì phải tạo cơ chế linh hoạt cho các hãng hàng không trong việc vận chuyển, tránh sự thua lỗ kéo dài”.

“Sau khi liên ngành báo cáo, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng 1 cơ chế linh hoạt, tiến tới bỏ bao cấp và không được để các hãng tiếp tục thua lỗ trong điều kiện kinh doanh như hiện nay. Ở đây có 2 sự điều chỉnh là điều chỉnh về mặt cơ chế trong phương thức quy định trần giá và mức trần giá cụ thể.

Chúng tôi đã mất gần nửa năm mới đưa ra được trần giá mới. Theo đó, trần giá mới được tính toán từ quy định từ giá thành năm 2010 có kiểm toán với giá thành của năm 2011 và tính trên trượt giá của năm 2011” - Cục phó Lại Xuân Thanh nêu rõ.

Lo ngại biến động giá tiêu dùng!

Việc điều chỉnh giá trần vé máy bay nhằm gỡ khó cho các hãng hàng không tránh khỏi thua lỗ kéo dài, nhưng trong bối cảnh phải kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội thì việc công bố tăng giá vào thời điểm sắp Tết khiến nhiều người lo ngại có thể kéo theo những biến động giá tiêu dùng. Tuy nhiên, giới chức trách cho rằng kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô không có nghĩa là phải đóng băng giá cả.
 
Tăng trần vé máy bay, lo ngại giá tiêu dùng "ăn theo" - 2
"Công cuộc điều chỉnh lần này vừa phải điều chỉnh về cơ chế, vừa phải có những tính toán
hết sức cụ thể về giá thành và được rà soát, kiểm soát"

Cục phó Lại Xuân Thanh chia sẻ: “Công cuộc điều chỉnh lần này vừa phải điều chỉnh về cơ chế, vừa phải có những tính toán hết sức cụ thể về giá thành và được rà soát, kiểm soát. Ban đầu các hãng đề nghị phải có cơ chế và chính sách đặc biệt vì những khó khăn bay lệch đầu trong dịp Tết (lệch đầu 50% - PV), chúng tôi cũng dự thảo rất nhiều lần cơ chế đó nhưng cuối cùng đã đưa ra mức tăng giá trần, còn các hãng hàng không phải tự điều chỉnh để giải quyết được vấn đề này”.

Theo Cục phó Lại Xuân Thanh, mặc dù tăng giá trong dịp Tết này nhưng cũng không quá căng thẳng đối với việc đi lại của người dân, vì Bộ Tài chính quyết định mức giá trần mới này sau khi thẩm định rất kỹ phương án giá của các hãng hàng không (đặc biệt là Vietnam Airlines), Cục Hàng không cũng thẩm định rất kỹ và đưa ra hướng dẫn giá phù hợp nhất.

Về phía Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng: “Đây là 1 vấn đề lớn trong bối cảnh kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Mục tiêu kiềm chế lạm phát chúng ta vẫn phải thực hiện nhưng không vì thế mà chúng ta phải đông giá khi những yếu tố hình thành giá yêu cầu chúng ta phải xử lý”.

“Nếu như những yếu tố rất hợp lý mà vì 1 mục tiêu khiến chúng ta chủ quan, bắt khu vực sản xuất kinh doanh phải ổn định thì hàng hóa sẽ thiếu, dịch vụ sẽ khó khăn và không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Nghị quyết 11 nói rằng điều hành giá xăng, giá than, giá điện theo cơ chế thị trường nếu đó là hợp lý để chúng ta có hàng, có sản phẩm và để tiêu dùng, tuy nhiên phải có lộ trình để thực hiện dần dần và bảo đảm đi tới có chế hợp lý, khách quan.

Còn nếu đây là ý kiến chủ quan của các hãng do lãng phí, của Cục Hàng không vì quản lý kém thì dứt khoát Chính phủ và Bộ Tài chính không đồng ý. Ở đây, thực tế là các hãng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan như: giá xăng dầu, tiền thuê máy bay, tiền thuê phi công… Những chi phí này đã được kiểm toán căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, chi phí hợp lý hợp lệ và sự điều chỉnh khách quan” - ông Thỏa khẳng định.

Về ảnh hưởng đối với những người có thu nhập thấp từ sự tăng giá này, theo ông Thỏa không nên nhìn vào mức giá cao nhất mà phải nhìn vào những mức thấp nữa để có sự lựa chọn phù hợp.

Theo ông Thỏa: “Trong chính sách xử lý giá vé chúng ta có nhiều cách. Việc phân hóa giá vé giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận và lựa chọn dịch vụ, thời điểm khởi hành. Tất nhiết, trong dải giá thấp là những loại dịch vụ phù hợp…”.

Quỳnh Anh