Tầng lớp thượng lưu gia tăng mạnh mẽ: Thách thức với du lịch Việt

(Dân trí) - Cùng với sự gia tăng thu nhập, lượng khách du lịch trung và thượng lưu ngày càng nhiều, đòi hỏi hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật ngành cần phải cải thiện tương ứng cả về lượng và chất song thực tế số lượng khách sạn cao cấp, chất lượng dịch vụ phụ trợ, an ninh, môi trường… vẫn chưa đáp ứng được. Điều này đang gây ảnh hưởng đến cảm nhận của khách du lịch.

Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới

Trong một báo cáo vừa phát hành hôm nay (4/1), Vietnam Report cho biết, trong những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định, bình quân tăng trên 15% cả về số lượng khách du lịch nội địa và khách quốc tế đến Việt Nam.

Năm 2018 tiếp tục được đánh giá là một năm thành công của du lịch Việt Nam khi đón nhận khoảng 15,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng.

Về tốc độ tăng trưởng khách quốc tế, Việt Nam hiện đang ở mức rất cao (21%), trong khi Thái Lan, Singapore, Malaysia đều có dấu hiệu chững lại. Đây là cơ hội tốt cho du lịch Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các quốc gia mạnh về du lịch trong khu vực.

Tầng lớp thượng lưu gia tăng mạnh mẽ: Thách thức với du lịch Việt - Ảnh 1.

Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa tại Việt Nam (đơn vị: nghìn lượt khách)

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, Việt Nam hiện đứng hạng 67/136 nền kinh tế về năng lực cạnh tranh du lịch, xếp thứ 5 trong khối ASEAN. Trong số 14 chỉ số trụ cột, tài nguyên tự nhiên (hạng 34) và tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 30) của Việt Nam được đánh giá là tích cực nhất.

Các chuyên gia nhận định, ngành du lịch, lữ hành Việt Nam năm 2019 hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng khi Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới. Việc quảng bá hình ảnh quốc gia qua các hoạt động như xúc tiến du lịch, hội chợ, hay qua phim ảnh, cuộc thi hoa hậu, thể thao… được thực hiện rất tốt.

Với xu thế phát triển mạnh mẽ về kinh tế cũng như thu nhập như hiện nay, Vietnam Report đánh giá, du lịch Việt Nam có triển vọng phát triển hơn nữa, hướng tới hoàn thành trước hạn mục tiêu đến năm 2020 “thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp”.

Ba thách thức lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam

Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp và nghiên cứu của Vietnam Report, hiện ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn.

Thứ nhất, mặc dù được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch nhưng khả năng khai thác chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Khách du lịch quốc tế vẫn chủ yếu tập trung ở các địa điểm du lịch đã có thương hiệu (Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…), trong khi nhiều di sản mới (Cô Tô, Lý Sơn…) lại chưa thu hút đông du khách, thời gian lưu trú (nếu có) ngắn, chi tiêu của khách chưa cao.

Thứ hai, để phát triển ngành du lịch cần có sự định hướng chính sách phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ có liên quan như vận tải hành khách, y tế, viễn thông…, nhưng hiện nay chế tài cũng như thực trạng liên kết ngành còn nhiều bất cập, do đó khó giữ chân du khách trong các lần sau.

Thứ ba, cùng với sự gia tăng thu nhập, lượng khách du lịch trung và thượng lưu ngày càng nhiều, đòi hỏi hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật ngành cần phải cải thiện tương ứng cả về lượng và chất. Tuy nhiên thực tế số lượng khách sạn cao cấp, chất lượng dịch vụ phụ trợ, an ninh, môi trường… vẫn chưa đáp ứng được, gây ảnh hưởng đến cảm nhận của khách du lịch.

Theo khuyến nghị của Vietnam Report, để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn ngành một cách hiệu quả rất cần sự chung sức của tất cả các doanh nghiệp. Sự lớn mạnh của từng doanh nghiệp sẽ đóng góp tạo đà tăng trưởng cho toàn ngành, đồng thời sự phát triển uy tín doanh nghiệp sẽ là cơ sở để đưa thương hiệu du lịch Việt Nam đi xa hơn, không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới

Mai Chi

Tầng lớp thượng lưu gia tăng mạnh mẽ: Thách thức với du lịch Việt - Ảnh 2.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm