1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tăng giá điện: Vẫn nhiều ý kiến bất đồng

Theo dự kiến, sau khi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính (từ 9/5 đến 25/5), Tổ công tác liên ngành về xây dựng phương án giá điện sẽ hoàn thiện Báo cáo và Tờ trình để trình Thủ tướng phê duyệt lộ trình điều chỉnh giá điện 2006-2010 và Phương án cơ cấu biểu giá bán lẻ điện năm 2006.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn những bất đồng về việc tăng giá điện, trong đó có nhiều ý kiến phản đối quyết liệt, chẳng hạn như tại cuộc họp tổng kết ý kiến đóng góp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức vào sáng qua (16/5)...

 

Ý kiến của doanh nghiệp và người tiêu dùng

 

Theo Bộ Công nghiệp, đến nay Bộ đã nhận được ý kiến tham gia đóng góp (bằng văn bản) cho phương án điều chỉnh giá điện của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Thương mại, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Hiệp hội Đầu tư xây dựng năng lượng Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, với nhận định: "Về cơ bản, ý kiến tham gia của tất cả các bộ, các tổ chức và khách hàng sử dụng điện lớn đều cho rằng việc tăng giá điện là cần thiết và thống nhất với chủ trương của Chính phủ về việc tăng giá điện".

 

Nhiều ý kiến đề nghị nếu có tăng giá thì trước hết ngành điện cần phải minh bạch hóa chi phí, giá thành sản xuất...

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất chủ trương tăng giá điện và lộ trình điều chỉnh giá điện 3 bước mà Bộ Công nghiệp đề xuất; đề nghị ưu tiên lựa chọn phương án 3 trong biểu giá bán lẻ; thống nhất áp dụng lộ trình xóa bỏ giá điện ưu đãi cho một số ngành sản xuất đặc thù vào năm 2008.

 

Tổng công ty Xi măng Việt Nam thì đề nghị xóa bỏ bù chéo giữa giá điện sản xuất và điện sinh hoạt; đề nghị chỉ tăng 10% giá điện giờ cao điểm, giữ nguyên giá giờ bình thường và thấp điểm; đề nghị bổ sung cơ chế các doanh nghiệp đăng ký giảm phụ tải vào giờ cao điểm, nếu thực hiện vượt số đăng ký, sẽ chịu giá điện tăng 20%.

 

Bên cạnh đó, sau thời gian công bố nội dung phương án giá điện, Bộ Công nghiệp cho biết cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của khách hàng sử dụng điện, bao gồm cả ý kiến đồng tình với việc tăng giá điện và một số ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc lại chủ trương tăng giá điện.

 

Theo Bộ Công nghiệp, tổng hợp yêu cầu của dư luận đối với việc tăng giá điện gồm 9 nội dung:

 

Thứ nhất là việc xây dựng phương án giá điện phải đảm bảo minh bạch, khách quan.

 

Thứ hai, tác động của việc điều chỉnh giá điện với kinh tế xã hội và các hộ gia đình phải được cân nhắc xem xét một cách đầy đủ và thận trọng; cần phải có biện pháp để kiểm soát tác động của tăng giá điện với đời sống xã hội.

 

Thứ ba, cần có giải pháp để hạn chế tác động tới những hộ gia đình có thu nhập thấp, đời sống còn khó khăn.

 

Thứ tư, cần phải cân nhắc về mức độ tăng giá, thời điểm tăng giá và đối tượng tăng giá để vừa đảm bảo mục tiêu của việc tăng giá điện nhưng vẫn đảm bảo hạn chế thấp nhất tác động chung đối với toàn xã hội.

 

Thứ năm, Chính phủ và ngành điện cần phải đẩy mạnh quá trình sắp xếp đổi mới, cổ phần hóa để vừa góp phần thu hút vốn đầu tư vừa góp phần giảm độc quyền trong ngành điện.

 

Thứ sáu, ngành điện cần tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng năng suất lao động, giảm tổn thất, giảm giá thành, qua đó góp phần giảm áp lực tăng giá điện.

 

Thứ bảy, ngành điện cần phải công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện để khách hàng hiểu và ủng hộ việc điều chỉnh giá điện.

 

Thứ tám, ngành điện cần nâng cao hơn nữa chất lượng điện và dịch vụ cung ứng điện, đảm bảo việc tăng giá điện phải đi đôi với tăng chất lượng dịch vụ. Thứ chín, cần có biện pháp giám sát để bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả, đúng mục đích, chống thất thoát và đảm bảo tiến độ các dự án điện.

 

Tăng giá điện: Vẫn nhiều ý kiến bất đồng - 1

 

Tỷ lệ tăng giá điện theo mức giá mới - phương án 2006.

(Đơn vị: % so với mức giá hiện hành)

 

Lộ trình tăng giá đã hợp lý?

 

Nhắm tới mục tiêu thu hút được các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển ngành điện đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về điện trong giai đoạn 2006-2010, Tổ công tác liên ngành đề xuất lộ trình 3 bước.

 

Bước 1 thực hiện từ ngày 1/7/2006 (điều chỉnh giá bình quân lên 852 đồng/kWh-tăng 8,8% so với hiện hành; đảm bảo tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của các đơn vị điện lực đạt mức tối thiểu 7%).

 

Bước 2 từ 1/7/2008 (điều chỉnh giá bình quân lên 890 đồng/kWh - tăng 4,5% so với mức điều chỉnh bước 1; đảm bảo tỷ suất lợi nhuận của các đơn vị điện lực đạt mức tối thiểu 12%).

 

Bước 3 thực hiện từ năm 2010 (điều chỉnh trên cơ sở giá phát điện xác định trên thị trường phát điện cạnh tranh và biến động của các yếu tố đầu vào khác có liên quan).

 

Về phương án biểu giá bán lẻ năm 2006, trên cơ sở kết quả chương trình thăm dò trực tuyến và ý kiến đóng góp của các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan và của khách hàng sử dụng điện, Bộ Công nghiệp xây dựng lại biểu giá bán lẻ theo phương án 3, với các điều chỉnh bổ sung như sau:

 

- Giảm mức tăng giá 100 kWh đầu tiên điện sinh hoạt bậc thang từ 630 đồng/kWh (tăng 14,5% trong dự thảo) xuống mức 620 đồng/kWh (tăng 12,7%);

 

- Giảm mức tăng các bậc thang điện sinh hoạt từ trên 100 kWh đến dưới 400 kWh từ mức tăng 16- 22% xuống mức tăng từ 15 - 21%;

 

- Bổ sung bậc thang giá điện sinh hoạt trên 400 kWh với giá 1.780 đồng/kWh;

 

- Tăng mức tăng giá điện cho kinh doanh dịch vụ và hành chính sự nghiệp từ mức 11% lên mức 12%.

 

Như vậy, cơ cấu biểu giá sẽ theo hướng: không tăng giá điện sản xuất giờ bình thường và thấp điểm; tăng 20% giá bán điện giờ cao điểm của tất cả các đối tượng; tăng giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn từ 390-410 đồng/kWh; tăng giá 100 kWh đầu tiên điện sinh hoạt bậc thang từ 550 lên 620 đồng/kWh; giá bán điện sinh hoạt bậc thang trên 100 kWh đến dưới 400 kWh tăng 15-21%; bổ sung bậc thang giá điện sinh hoạt trên 400 kWh với giá 1.780 đồng/kWh; giá bán điện cho cơ quan hành chính sự nghiệp và kinh doanh dịch vụ tăng bình quân 12%; giá trần điện sinh hoạt nông thôn: 700 đồng/kWh...

 

Bộ Công nghiệp cho rằng, việc điều chỉnh giá theo lộ trình trên sẽ hạn chế được tác động đối với sản xuất và các tổ chức quản lý điện nông thôn; hạn chế tác động tới những hộ gia đình có mức sử dụng dưới 100 kWh/tháng; thực hiện được một bước yêu cầu giảm bù chéo giữa điện sản xuất và giá điện sinh hoạt; khuyến khích các hộ gia đình tăng cường sử dụng điện tiết kiệm, đảm bảo công bằng xã hội; hạn chế tác động đột biến tới kinh tế- xã hội; tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp bố trí lại sản xuất kinh doanh.

 

Tuy nhiên, ngay trong cuộc họp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, đa phần đại biểu vẫn cho rằng cần cân nhắc thời điểm tăng giá; và nếu có tăng giá thì trước hết ngành điện cần phải minh bạch hóa chi phí, giá thành sản xuất, phải tìm các biện pháp huy động vốn khác hữu hiệu hơn...

 

Theo Long - Thoan

Vneconomy