Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê được Công ty CP mỏ Ghiproruda – CHLB Nga chủ trì thực hiện năm 2007 và đã được các cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước thẩm định; được chủ đầu tư TIC phê duyệt ngày 24/11/2008. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án có nhiều yếu tố không còn phù hợp điều kiện thực tế, từ tổng mức đầu tư, trữ lượng và thiết kế khai thác, đến các vấn đề về môi trường, dân sinh.
Trước thực trạng đó, ngày 29/11/2010, HĐQT TIC đã ký hợp đồng với Liên doanh nhà thầu tư vấn Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và Công nghiệp Vinacomin, Viện Khoa học Công nghệ mỏ - Luyện kim và Viện tháo khô mỏ lập thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê.
Chủ đầu tư TIC đã gặp quá nhiều khó khăn, thách thức trong nỗ lực đưa dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đi đúng lộ trình mà đơn vị này cam kết với Chính phủ và người dân địa phương
Sau hơn một năm thực hiện, sáng 13/1, dưới sự chủ trì của UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ đầu tư TIC cùng các đơn vị tư vấn nói trên đã tổ chức báo cáo điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê.
Theo báo cáo đưa ra, diện tích quy hoạch mỏ và diện tích moong khai thác vẫn giữ như cũ (diện tích quy hoạch mỏ 3.877 ha, diện tích moong khai thác 527 ha), chỉ điều chỉnh trữ lượng khai thác và thiết kế khai thác mỏ.
Cụ thể, trữ lượng quặng khai thác trong biên giới khai trường là 370 triệu tấn. Công suất thiết kế và thời gian khai thác mỏ được xác định như sau: giai đoạn 1 (2011-2021): 5 triệu tấn/năm. Giai đoạn này kéo dài 10 năm (tính cả 3 năm xây dựng cơ bản), trong đó năm khai thác thứ nhất (từ 2015) là 4,4 triệu tấn/năm và năm thứ 7 là 8 triệu tấn/năm.
Giai đoạn 2 (2022-2051): 10 triệu tấn/năm, kéo dài trong 29 năm (từ năm thứ 8 đến năm thứ 36), sau đó giảm xuống dưới 10 triệu tấn/năm kể từ năm thứ 37 đến năm kết thúc.
Với trữ lượng khai thác và công suất thiết kế mỏ như trên thì tuổi thọ mỏ là 51 năm (kể cả thời gian xây dựng cơ bản 6 năm).
Về bãi thải, theo thiết kế cũ, toàn bộ đất, đá thải được đổ vào các bãi thải phía trong đất liền, nhưng theo thiết kế điều chỉnh mới, sẽ sử dụng cả bãi thải trong đất liền và bãi thải lấn biển. Khối lượng đất đá thải ra biển khoảng 150 triệu m3 trên diện tích 923 ha. Phương án bãi thải lấn biển này sẽ được sử dụng vào giai đoạn 2 (tính từ năm khai thác thư 8 trở đi).
Theo thiết kế điều chỉnh mới, không chỉ có đất liền mà biển cũng sẽ trở thành bãi thải của dự án sắt Thạch Khê.
Về tổng vốn đầu tư đã có sự thay đổi lớn so với trước. Cụ thể, tổng mức đầu tư hơn 22,3 nghìn tỷ đồng (cũ 9.932 tỷ đồng) trong đó, chi phí bồi thường, GPMB - TĐC: 6.500 tỷ đồng (cũ 3.478 tỷ đồng). Để giải quyết khó khăn về phần vốn ông Hồ Đức Bình - Tổng Giám đôc TIC cho hay, chủ sở hữu cam kết sẽ đóng 30%, số 70% còn lại sẽ huy động từ các nguồn vay khác.
Tại buổi báo cáo, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu TIC bổ sung thiết kế hệ thống giao thông riêng cho khu khai thác mỏ, đảm bảo không ảnh hưởng đến các tuyến đường dân sinh; có lộ trình kế hoạch trồng cây xanh bảo vệ môi trường cho vành đai mỏ ngay từ năm khai thác đầu tiên; xác định cụ thể mốc ranh giới ảnh hưởng để có phương án GPMB từng năm.
Văn Dũng - Thanh Hoài