1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sai phạm ở Tổng Cty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist):

“Tảng băng chìm” đằng sau thương hiệu số 1 Việt Nam

Đằng sau cái mác thương hiệu du lịch số 1 Việt Nam, it người biết rằng có nhiều dự án, công trình thể hiện sự quản lý yếu kém của lãnh đạo Saigontourist (SGT), với hàng loạt “khuất tất”, hàng tỉ đồng nguồn vốn…

“Chảy máu” vì yếu kém trong xây dựng cơ bản?

 

Từ năm 1998 – 2003, những khoản chi đầu tư ở SGT là 913,2 tỷ đồng. Trong đó, chi mua sắm thiết bị nâng cấp cơ sở phục vụ du lịch là 201,9 tỷ, đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cấp là 571,3 tỷ đồng ở 104 dự án. Việc khảo sát thiết kế đối với các dự án trên SGT thực hiện khi chưa quyết định đầu tư. Chi phí đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước liên tục “bị chảy máu”, gây lãng phí, thất thoát hàng tỷ đồng.

 

Ở dự án cải tạo Khách sạn Đồng Khởi (Grand hotel), SGT thuê tư vấn Úc khảo sát và thiết kế hệ thống kỹ thuật nhưng không… thèm lập dự toán.

 

Thậm chí “liều” hơn,  ký hợp đồng thực hiện với đối tác trước khi có…quyết định đầu tư. Khi hoàn tất công trình, SGT thanh toán cho đối tác kiểu nhiều “không”: không có hoá đơn (72.367 USD), không tổ chức nghiệm thu… Dự án khách sạn Edenrock cũng được SGT thực hiện kiểu nhiều “không” và lập dự toán khi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.

 

Cuối cùng thiết kế dự toán lập ra không được sử dụng, số tiền thiết kế chi phí những lần này đã phải “đổ sông đổ biển” lên đến 338,4 triệu đồng. Việc nâng cấp khách sạn Rex , Đệ Nhất, Trung tâm thương mại dịch vụ SGT… cũng tương tự.

 

Những điều khó hiểu nữa là  chi phí thiết kế cho các khách sạn liên doanh trong nước như Sài Gòn – Hạ Long, Sài Gòn – Mũi Né, Morin – Huế, Sài Gòn – Tourane… đều cao hơn so với giá quy định những vài trăm triệu cho mỗi dự án.

 

Ngoài ra, các gói thầu có giá trị từ năm trăm triệu đến trên 1 tỷ đồng, cũng không được SGT công khai đấu thầu mà chỉ giao thầu, chỉ định thầu hoặc mua sắm trực tiếp. Tỷ lệ so sánh cho thấy “điều đáng kinh ngạc” ở SGT là với các dự án đấu thầu rộng rãi, công khai tỷ lệ trúng thầu chỉ có… 16,20%; còn đấu thầu hạn chế thì tỷ số trúng thầu lên đến 83,80%.

 

“Lơ đãng” trong góp vốn và chuyển nhượng cổ phần

 

Ngày 31/12/2003, sổ sách phản ánh số vốn góp của SGT vào Cty cổ phần du lịch Bình Châu là 23,5 tỷ đồng, nhưng sổ sách của SGT thì chỉ có 16 tỷ  đồng. Báo cáo của SGT cho ngành chức năng thì nguyên nhân bị thiếu mất 7,5 tỷ là do đứng tên góp vốn “giùm cho” một số cơ quan… báo chí tại TPHCM (?).

 

Và điều “lơ đãng” này không chỉ thể hiện ở một vài dự án mà là chuỗi dự án. SGT đã thể hiện việc làm khó hiểu trong liên doanh bằng vốn góp với nhiều hình thức.

 

Mặt khác, trong việc chuyển nhượng cổ phần ở Cty cổ phần du lịch khách sạn Sài Gòn - Hạ Long, SGT đã ký nhượng 12 tỷ đồng (tương đương 120.000 cổ phần) cho Cty TNHH đầu tư Đất Mới với giá  tăng 5% và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn cũng được SGT ký bán 90.000 cổ phần phổ thông với giá tăng 10%.

 

Điều này đã gây tranh cãi trong nội bộ Hội đồng quản trị khách sạn Sài Gòn-Hạ Long khi cho rằng quyền lợi cổ đông sáng lập đã bị mất rất nhiều do SGT đã hạ giá thấp giá trị cổ phiếu (!). Bởi theo qui định giá trị cổ phiếu của cổ đông mới đóng góp vào liên doanh này phải đảm bảo bằng 115% giá trị cổ phiếu của cổ đông cũ...

 

Những điều trên chưa phải là tất cả những sai phạm của SGT...

 

Theo Hữu Vinh

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm